Đánh giá truyện hỏa phụng liêu nguyên

Trong bữa tối thân mật ngày hôm trước, ông trưởng dự án người Nhật chỗ tôi khoe rằng ông ý cũng thích truyện tranh. Thậm chí ông còn lôi trong cặp ra quyển Kingdom rồi hỏi mày đã đọc truyện này chưa. Điều này không khỏi khiến tôi bật cười, vì nó làm tôi chợt nhớ đến hồi còn sinh hoạt bên “Hội những người hâm mộ Hoả Phụng Liêu Nguyên” trên facebook, có những thanh niên gõ phìm dè bỉu chê truyện Kingdom và coi những người đọc Kingdom là bọn đần độn.

Giờ chả biết các thanh niên đó có việc làm chưa hay đang thất nghiệp.

Câu chuyện này cũng gợi cảm hứng cho tôi đọc lại toàn bộ Hoả Phụng Liêu Nguyên. Tôi cũng cố đọc đến hơn nửa, chỉ để nhận ra, đã đến lúc tôi xếp bộ truyện tranh này vào cùng với nhạc Trịnh, bóng đá, Tam Quốc Diễn Nghĩa, cờ vua và vân vân – những thứ tôi đã từng mê nhưng giờ chán không chịu nổi.

Dĩ nhiên, sau từng đấy năm, suy nghĩ về các nhân vật trong Hoả Phụng Liêu Nguyên của tôi cũng đã khác ngày xưa. Giờ tôi thực tâm đồng ý với đa phần các bạn đọc khác, Lữ Bố đích xác là nhân vật xuất sắc nhất của bộ truyện. Nếu mục đích đơn thuần là thưởng thức, đọc đến đoạn Lữ Bố chết dừng là được rồi, chỉ nên đọc thêm khi muốn ủng hộ Trần Mưu. Bạn biết đấy, tác giả truyện tranh cũng phải kiếm tiền, không hít khí trời mà sống được.

Nhân vật hay thứ nhì, với cá nhân tôi là một sự phân vân giữa Lưu Bị và Tiểu Mạnh. Tôi quan sát những người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa xung quanh, mười người thì bảy người mê Tháo, chỉ có ba người mê Bị. Nhưng Tháo trong Hoả Phụng Liêu Nguyên lại chẳng có gì đặc biệt cả, còn Lưu Bị trong Hoả Phụng là cả một hành trình đấu tranh theo đuổi tham vọng được khắc hoạ chi tiết tỉ mỉ. Đương nhiên, đòi hỏi tác giả xây dựng nhân vật nào cũng phải kỹ lưỡng là điều phi lý, nên tác giả có mượn anh Tháo từ ai đó, cũng không thể chê trách được.

Về Tiểu Manh, việc cho Điêu Thuyền làm hoạn quan giả nữ là một đột phá xuất sắc mà ai ai đều phải thừa nhận. Hình ảnh Tiểu Mạnh buông tay người mình yêu rơi xuống vực, cảnh Tiểu Mạnh ôm chặt Lữ Bố sau khi mất con, hay chương tổng kết cuộc đời trước khi Tiểu Mạnh chết đều quá đẹp. Người yêu của chàng, Triệu Vân thì khó đọc hơn, hay nói chính xác, đọc những đoạn có Triệu Vân rất mỏi. Nhân vật này lúc nào cũng có những ràng buộc kìm nén, kiểu như cố gắng vùng vẫy trong cơn bất lực với cuộc đời. Nhất là sau khi lầm lũi tìm xác Tiểu Mạnh giữa đống thây người, ngoài những lúc chợt bộc phá như phút nức nở dưới chân Lưu Bị, còn bình thường thấy khuôn mặt vô cảm khi anh giết địch, khuôn mặt vô cảm khi anh đột phá vòng vây, khuôn mặt vô cảm khi anh nói chuyện, khuôn mặt vô cảm khi anh thấy mẹ của con mình bị đâm trong tay kẻ địch, quả thực không dễ chịu chút nào.

Nhân vật chính còn lại, Tư Mã Ý có thể xếp chung nhóm với cha con Viên Thiệu – Viên Phương, những nhân vật mà ý tưởng ban đầu rất hay nhưng quá trình thực hiện cụ thể, tạo dựng tình huống chi tiết lại không thành công cho lắm. Mỗi lân đọc những đoạn họ xuất hiện, nhất là giai đoạn về sau, đem lại cảm giác cho tôi như đang xem phim truyền hình dài tập Việt Nam, nơi đạo diễn cho các học sinh xưng hô “cậu cậu tớ tớ”, rất gượng ép và khiên cưỡng. Có quá nhiều người mê họ, cũng không có gì lạ, như người nước ngoài xem phim Việt Nam thấy mấy cảnh “cậu cậu tớ tớ” nhiều khi lại thấy thích.

Mà đã vừa xem phim vừa vẽ truyện, sao không xem hẳn phim Hàn? Hoặc là truyện tranh shoujo. Quách Gia là một mẫu nhân vật được bê nguyên từ các quyển tạp chí shoujo và rất thành công. Không chỉ thu hút các fan nữ, với cá nhân tôi – một độc giả trung thành của dòng truyện shoujo, Quách Gia là nhân vật tuyệt vời nhất trong Bát Kỳ. Còn nhân vật dở nhất, ngoại trừ anh thứ tám đang mang khẩu trang – dù chả hi vọng gì lắm đâu nhưng biết đâu Trần Mưu có giấu bài, sẽ chả ai tranh được với Chu Du. Có quá nhiều chất liệu để tạo ra một Chu Du sống động, nhưng Trần Mưu đơn giản không thèm làm. Tiểu Kiều thì tác giả cho Tôn Quyền “tán”, Tôn Sách diệt Vu Cát, vượt sông đánh Từ Châu là kế hoạch của Bàng Thống, đến cả trận Xích Bích – sân khấu lịch sử của Chu Du – cũng bị cặp song ca Tư Mã Ý – Gia Cát Lượng lên cướp mic. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa – Khổng Minh đã “hơn” Chu Du rồi, trong Hoả Phụng – Khổng Minh một lần nữa lại “ăn đứt” Chu Du.

Phần còn lại của Bát Kỳ, Bàng Thống vẫn giữ phong độ như Đổng Trác và Viên Thuật, xuất hiện ít song ấn tượng, câu thoại nào cũng được chăm chút cẩn thận. Hi vọng trong tương lai, nhân vật Bàng Thống không bị rơi vào cùng rọ với Giả Hủ và Tuân Úc – những nhân vật ban đầu xuất hiện rất hấp dẫn và giờ đây, Trần Mưu đang có dã tâm đưa họ ra khỏi mạch truyện một cách thô bạo đầy lộ liễu. Tuân Úc đã trượt ra một quãng khá dài rồi còn Giả Hủ đang bám lấy, níu kéo ở bên rìa.

Mà nhắc đến Lữ Bố trong Hoả Phụng, có lẽ nên đính kèm Tôn Sách và Trương Phi – những Lữ Bố “phẩy”, “phẩy” theo nghĩa cá tính hao hao giống, chỉ là xấu trai hơn, võ nghệ kém hơn, sức khoẻ yếu hơn và trí tuệ thì không ấn tượng bằng. Tuy nhiên Lữ Bố quá xuất sắc như đã nói, nên Tôn Sách với Trương Phi có kém tí thì vẫn hay. Một vạn nhân địch khác – Quan Vũ – chỉ là phiên bản Tam Quốc Diễn Nghĩa đính kèm một vài cập nhật, nhưng vì La Quan Trung đã xây dựng Quan Vũ quá chất quá riêng biệt rồi, nên trong Hoả Phụng, Quan Vũ vẫn nổi bật hơn hẳn những võ tướng còn lại – kể cả đó là Trương Liêu, người được tác giả cho rất nhiều đất diễn. Cảnh Lữ Bộ một đòn hạ gục sáu tướng Tào xứng đáng 10 điểm thì cảnh sau đó, trang lớn nơi Quan Vũ đối diện với Lữ Bố ít nhất cũng phải đạt 8 điểm về mặt thẩm mỹ. Cái kết của Quan Vũ ở Kinh Châu có thừa chất liệu để có thể vẽ ra một “Thành hạ nhất tự” hay một “Liên hoàn kế” thứ hai, chỉ phụ thuộc vào Trần Mưu có còn hứng thú nữa hay không mà thôi.

Tổng kết, dù viết có vẻ phần nhiều là chê đấy, nhưng yêu nhiều thì mới chê nhiều, giờ tôi có phải tuổi hai mươi nữa đâu mà xuýt xoa trước thần tượng hay yêu em bằng cả trái tim mình? Xin khẳng định, Hoả Phụng Liêu Nguyên là bộ truyện tranh xuất sắc nhất về đề tài lịch sử Trung Quốc, và là một trong vài bộ xuất sắc nhất trong tất cả số truyện tranh mà tôi đã đọc. Bây giờ nhìn lại thì không thấy gì lắm chứ hồi xưa lúc mới xem, thật sứ là một cú sốc về mặt tinh thần. Có những đợt tranh cãi và suy nghĩ về nó làm tôi thức trắng đến hàng đêm mà vẫn không thông suốt được. Với đứa đọc sử Trung Quốc từ bé như tôi, Kingdom chỉ là một bộ manga có vỏ là đề tài Trung Quốc. Nhiều người thấy nó hay, cũng giống như tôi đã ví ở trên, người nước ngoài xem phim Việt Nam thấy mấy cảnh “cậu cậu tớ tớ” khéo lại thấy thích.

Tắt đi trang web, tôi có cảm tưởng đây sẽ là lần cuối tôi đọc Hoả Phụng Liêu Nguyên. Buồn chứ, nhưng mà tôi quen rồi.

Tái bút:

À quên, bảng xếp hạng các nhân vật yêu thích nhất trong Hoả Phụng của cá nhân tôi, ở thời điểm hiện tại:

1. Lữ Bố 2-3. Lưu Bị – Tiểu Mạnh 4. Triệu Vân 5. Quách Gia 6. Quan Vũ 7. Bàng Thống 8 – 9 Đổng Trác – Viên Thuật 10. Trương Phi 11. Gia Cát Lượng 12. Sơn Vô Lăng 13. Dương Tu 14 -15 Lý Nho – Ngưu Phụ 16. Điển Vi 17. Tư Mã Ý 18 – 19 – 20 Tôn Sách – Giả Hủ – Tuân Úc 21-22 Trương Liêu – Cao Thuận 23. Viên Phương