Đánh giá triển khai đề án 32 2010 năm 2024

Ngày 25/3/2010 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020.(gọi tắt là Đề án 32).Mục tiêu chung của Đề án là: “ Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Đề án 32, các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên đã có những thay đổi tích cực về nhận thức và hành động theo các quy định nghề công tác xã hội, điều đó thể hiện ở số lượng sinh viên, học sinh theo học chuyên ngành công tác xã hội, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay cả nước đã có 55 cơ sở đào tạo công tác xã hội trình độ đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội; 04 trường đào tạo thạc sỹ và 02 trường đào tạo trình độ tiến sỹ. Hàng năm đào tạo và dạy nghề cho khoảng 3.000 người hệ chính quy, đào tạo hệ vừa học,vừa làm cho khoảng 3.500 lượt chỉ tiêu/ năm. Bên cạnh đó các trung tâm công tác xã hội còn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho hàng ngàn cán bộ lao động, thương binh và xã hội, cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội ở các xã, phường, thị trấn…( năm 2010, mới chỉ có 1- 2 cơ sở đào tạo trung cấp công tác xã hội). Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Học viện Xã hội châu Á phát triển đào tạo thạc sỹ công tác xã hội cho cán bộ quản lý trong Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có 203 cán bộ hoàn thành khóa học thạc sỹ năm 2016 – 2017.

Đánh giá triển khai đề án 32 2010 năm 2024

Đánh giá triển khai đề án 32 2010 năm 2024

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH:

Đàm Hữu Đắc và Nguyễn Trọng Đàm tham gia ý kiến tại Hội thảo đánh giá tác động Luật công tác xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32; điều phối các hoạt động của Đề án 32. Kết quả là các Bộ, ngành trung ương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch thực hiện mục tiêu của Đề án; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể hóa Đề án 32, chỉ đạo các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, thành phố; bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32. Hiện nay, tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội là 418 cơ sở, tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội đang làm việc tại các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới tại các xã, phường, thị trấn gồm 35.000 người. Các cơ sở xã hội đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, chăm sóc, nuôi dưỡng cho hàng triệu lượt đối tượng đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 15% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; trên 200 nghìn người làm công tác xã hội, trong đó có trên 17.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp ( Phụ nữ, thanh niên, Hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, hội nông dân, mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh…); trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội ở các cơ sở và cộng đồng dân cư.

Ngày 19/8/2015 Liên bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Đây chính là căn cứ pháp lý quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức ngành công tác xã hội, toàn bộ viên chức chuyên ngành công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 24/5/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT- BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn. Như vậy công tác xã hội (CTXH) đã được công nhận là một nghề ở Việt Nam.

Những khó khăn, bất cập khi thực hành nghề công tác xã hội

Căn cứ Điều 2, Thông tư số 01/2017/TT – BLĐTBXH ngày 02/02/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội quy định:

“ Nghề công tác xã hội là những hoạt động chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.”

Từ căn cứ trên đây cho thấy bản chất của nghề công tác xã hội chuyên nghiệp là tác động tới cá nhân trong môi trường xã hội của họ, gia đình, cộng đồng dân cư, xã hội giúp cá nhân, cộng đồng chủ động vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực tiếp cận các nguồn lực xã hội để thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ và hạnh phúc của nhân dân. Khi cá nhân, gia đình hay cộng đồng gặp phải những khó khăn xuất phát từ yếu tố chủ quan như khiếm khuyết về thể chất, tinh thần, sự hạn chế về sức khỏe, học thức… hay các nguyên nhân do khách quan mang lại như thiên tai, hỏa hoạn, thay đổi môi trường sống do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị hóa… mà bản thân cá nhân, gia đình, cộng đồng không tự giải quyết được vấn đề mà cần đến sự trợ giúp của Nhà nước, cộng đồng để giải quyết vấn đề cấp thiết trong cuộc sống. Việc khắc phục những khó khăn về vật chất thường dễ khắc phục hơn những khó khăn về thể chất và tinh thần thì đòi hỏi phải có thời gian và cần có những người làm nghề công tác xã hội chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy có những trẻ em bị bạo hành, hay bị xâm hại tình dục thì “nỗi buồn” cứ ám ảnh mãi thậm chí có nạn nhân đã phải bỏ nhà ra đi ở nơi khác, thậm chí tự tử…Như vậy mục đích của nghề công tác xã hội là hướng đến sự thay đổi trong nhận thức và hành động theo hướng tích cực để mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng tự giúp họ thực hiện chức năng xã hội khi bị tổn thương dưới sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội. Sự trợ giúp của nhân viên công tác xã hội chỉ mang tính chất hỗ trợ cho cá nhân, gia đình, cộng đồng kết nối với các nguồn lực xã hội, khơi dậy được sức mạnh nội lực của bản thân, gia đình, cộng đồng để tạo ra sự thay đổi, do đó phạm vi tác động của công tác xã hội là trợ giúp cho người “ yếu thế” và cả những người có giàu có. Thực tế có nhiều gia đình có điều kiện kinh tế giàu có, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan để con, vợ, chồng mắc tệ nạn xã hội như: nghiện ma túy, cờ bạc, đua xe trái phép, vi phạm pháp luật… , do đó họ cũng rất cần sự trợ giúp của các cơ sở cung cấp các dịch vụ công tác xã hội.

Do đó công tác xã hội liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, trường học, bệnh viện, cơ quan tư pháp như tòa án, trong các trường giáo dưỡng, trại giam, trong các cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm cai nghiện ma túy, các tổ chức chính trị xã hội… do đó để cho các cá nhân, tổ chức khi có đủ các điều kiện tham gia cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp cần phải có hành lang pháp lý quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của các tập thể, cá nhân khi hành nghề cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội do đó rất cần được quy định trong Luật công tác xã hội. Trong thời gian triển khai thực hiện Quyết định 32, nhân viên công tác xã hội không thể thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của nghề công tác xã hội đó là: PHÒNG NGỪA – CHỮA TRỊ – PHỤC HỒI – PHÁT TRIỂN vì các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội hiện nay mới chỉ là các văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý tương đối thấp, có hiệu lực pháp lý thấp ( Quyết định 32; Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội; Thông tư số 07/2013/TT- BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn….) do đó vai trò, vị trí của nhân viên công tác xã hội chưa được quy định trong Luật công tác xã hội, đây là sự bất cập cần được “ thay đổi” cho phù hợp với thực tế khi cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Luật công tác xã hội gồm 8 chương và 92 điều, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã có luật công tác xã hội như: Anh, Hồng Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Canada, Mỹ… đồng thời tổ chức các Hội thảo báo cáo đánh gía tác động luật công tác xã hội, tiếp thu các khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật công tác xã hội trình các cơ quan chức năng thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, hoàn thiện, trình Quốc hội, đây là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0 ./.

Đánh giá triển khai đề án 32 2010 năm 2024

Đánh giá triển khai đề án 32 2010 năm 2024

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo đánh giá tác động Luật công tác xã hội.

Nguyễn Ngọc Minh

Tài liệu tham khảo

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật công tác xã hội của Bộ LĐ – TBXH;

Rà soát pháp luật quốc tế về công tác xã hội và khuyến nghị cho Việt Nam của PGS.TS Trịnh Văn Tùng – Trưởng khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn;