Đánh giá chuyện người con gái nam xương năm 2024

Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm truyền kì giàu giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo. Qua câu chuyện về nàng Vũ Nương, nhà văn Nguyễn Dữ không chỉ mở ra cuộc sống, số phận bất hạnh của những người phụ nữ nhỏ bé, không có tiếng nói, nạn nhân của chế độ phong kiến xưa, thể hiện nỗi xót thương, đồng cảm với họ mà còn là bức tranh hiện thực rõ nét đến mức xót xa. Trong xã hội phong kiến mục nát, những người phụ nữ dẫu xinh đẹp, thủy chung một lòng vì chồng vì con nhưng họ lại bị tước đoạt đi quyền được sống, quyền được hạnh phúc. Nguyễn Dữ đã lên án sâu sắc chế độ phong kiến đương thời, phê phán những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tư tưởng trọng nam khinh nữ và chế độ nam quyền trong xã hội xưa. Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Quả thực là như vậy, với chi tiết Vũ Nương gieo mình xuống lòng sông sâu tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình, Nguyễn Dữ đã khẳng định được tài năng của mình trong sự nghiệp sáng tác văn học. Đồng thời cũng thể hiện được tinh thần nhân đạo, sự đồng cảm trước số phận bấp bênh, hẩm hiu của người phụ nữ trong xã hội cũ. Điều này không phải bất cứ nhà văn nào cũng có thể làm được, đặc biệt là trong thời lễ giáo phong kiến còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm thức và nhận thức của người dân. Vì vậy ta khẳng định Nguyễn Dữ chính là bức tượng đài tiêu biểu nhất cho những nhà văn nhân đạo, là những người phu chữ xuất sắc nhất mọi thời đại.

Trong bài này, người viết muốn thông qua thực tiễn tiếp nhận tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, tác phẩm từ lâu được chọn đưa vào sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 9, từ đó bàn thêm về phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm trong nhà trường phổ thông sao cho việc nhìn nhận, đánh giá tác phẩm có sức thuyết phục, nhằm định hướng cho học sinh.

1. Giới thiệu sơ lược về tác phẩm

Chuyện người con gái Nam Xương là một trong 20 truyện ngắn của tập Truyền kỳ mạn lục được nhà văn Nguyễn Dữ (học trò xuất sắc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống vào cuối thời nhà Lê Sơ đầu thời nhà Mạc) sáng tác bằng chữ Hán vào khoảng cuối thế kỷ XVI. Nam Xương nữ tử truyện, câu chuyện kể về thiếu phụ là Vũ Thị Thiết, quê Nam Xương, vốn con nhà bình dân, đẹp người đẹp nết, được gả cho Trương Sinh con nhà hào phú. Nhưng rồi vì bị chồng nghi là thất tiết, nàng đã tự vẫn. Nỗi oan được giải nhưng Vũ Nương không thể trở về dương gian được nữa.

Nguyễn Dữ sáng tác truyện dựa vào chuyện được kể trong dân gian. Chuyện này về sau được nhà văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, đưa vào Truyện cổ tích Việt Nam, tên truyện là Vợ chàng Trương. Đây là câu chuyện có thật, đền thờ Vũ Nương bên sông Hoàng Giang (xã Chân Lí, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn còn.

2. Thực tiễn tiếp nhận: những cách hiểu, cách lý giải khác nhau về tác phẩm

Câu chuyện về Vũ Nương rất đặc biệt, dù xảy ra từ đầu thế kỷ XV (cuối Trần đầu Hồ), trải qua mấy chục năm vẫn được nhân dân truyền lại, gợi cảm hứng cho vua Lê Thánh Tông (1442-1497) viết hai bài thơ viếng Vũ Thị. Hai bài này ra đời trước cả khi Nguyễn Dữ ra đời nên chúng tôi không bàn đến trong lịch sử tiếp nhận.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ tìm hiểu thực tiễn tiếp nhận qua một số ý kiến tiêu biểu về các vấn đề thuộc nội dung truyện trong khoảng 30 năm trở lại đây.

2.1. Về giá trị tác phẩm

Ý kiến của độc giả khá thống nhất, đều khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Trang wikipedia.org giới thiệu: “Chuyện người con gái Nam Xương […] dựa trên một câu chuyện dân gian về một nỗi oan khuất của một người thiếu phụ, Nguyễn Dữ đã viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc đã không cho người phụ nữ được bảo vệ mình. Truyện được đánh giá là một áng “thiên cổ kì bút”, phản ánh sinh động về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến”[1]. SGK Ngữ văn 9 do GS Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) đánh giá “tác phẩm của Nguyễn Dữ đã kể câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, qua đó thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp của họ”[2]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam thậm chí không tiếc lời khen: “Nam Xương nữ tử truyện” (Chuyện người con gái Nam Xương) là một kiệt tác trong kho tàng truyện ngắn Việt Nam”[3]. Chuyên gia hàng đầu về văn học trung đại, GS Nguyễn Đình Chú còn dùng “lời có cánh” hơn: “Truyện Người con gái Nam Xương có ý nghĩa triết học sâu sắc hơn, cao hơn Truyện Kiều,… Nguyễn Dữ để lại cho văn học dân tộc một thiên tình sử bi thảm, làm nhức nhối trái tim người đọc bao đời nay, cho lịch sử văn học Việt Nam một áng “thiên cổ kỳ bút”, cho riêng thể loại truyện ngắn Việt Nam, một truyện ngắn vừa là đột khởi, vừa là đỉnh cao vời vợi trong muôn đời”[4]. Độc giả Tuệ Anh viết: “Chuyện người con gái Nam Xương vẫn truyền nhịp đập của tình yêu thương con người và niềm cảm thông sâu sắc với người phụ nữ tới bao thế hệ độc giả”[5].

Tuy nhiên, gần đây có một số độc giả đã bàn thêm, phát hiện thêm những khía cạnh mới trong chủ đề tác phẩm, tìm ra những thông điệp mới mà theo họ, nhà văn đã gửi gắm, trong đó tiêu biểu là ý kiến của GS Nguyễn Đình Chú: “… nó đã chạm vào sự ma quái có thực trong sự sống vốn là nghiệt ngã của con người muôn nơi, muôn thuở”, “cái mong manh vô cùng mong manh, mong manh tới độ với tư duy thông thường, trên thế gian này, chẳng ai có thể nghĩ tới”[6]; và TS Nguyễn Thị Tính: “Tác phẩm đã chuyển tải, khái quát được những quy luật muôn đời… Từ một câu chuyện có thật trong dân gian, Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc, thấm thía cái nhìn về sự phức tạp, nghiệt ngã của cuộc sống”[7].

2.2. Về Trương Sinh và Vũ Nương

2.2.1. Về Trương Sinh

Nhiều ý kiến lên án, kết tội Trương Sinh, mang “thói ghen tuông ích kỉ, sự hồ đồ, vũ phu”… “trong một xã hội trọng nam khinh nữ”[8]; “thái độ ghen tuông cay nghiệt và mù quáng của chàng Trương đã giết chết người vợ đoan chính đáng thương”[9]; thậm chí cho rằng Trương Sinh không chỉ “có nhược điểm đa nghi, ghen tuông quá mức”… mà còn “mắc tội mất trí, ghen tuông mù quáng, khiến vợ oan ức đến nỗi nhảy xuống sông tự vẫn”[10]. Chính Nguyễn Dữ trong Lời bình ở cuối truyện đã khá gay gắt với Trương Sinh: “Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này”!

Song, gần đây, có thêm một số nhìn nhận, đánh giá khác về Trương Sinh. GS Nguyễn Đình Chú dường như muốn biện hộ cho sự ghen tuông của Trương Sinh bởi “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, lại hoàn cảnh “vừa trải qua trận mạc”, nên cho rằng “Đúng là không ai không oán giận Trương Sinh nhưng từ đó mà qui về chế độ nam nữ bất bình đẳng thì về cơ bản là chưa đúng ý tác phẩm”[11]. TS Nguyễn Thị Tính cho rằng “Từ chuẩn mực của Nho giáo có thể thấy Trương Sinh có đặc điểm của một con nhà hào phú nề nếp gia phong, đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín…”[12]. Còn ThS Phan Thị Thanh Thủy nhìn nhận “Trương Sinh đã có hành vi thô bạo đối với Vũ Nương khi không tìm hiểu, suy xét và thiếu niềm tin vào nàng. Điều đó thật đáng trách nhưng cũng có thể cảm thông bởi nó xuất phát từ căn nguyên rất thật của con người, đặc biệt với đàn ông, đó là ghen. Mà cơn ghen của chàng cũng thật có lí…”[13].

2.2.2. Về Vũ Nương

Hầu hết, người đọc đều khẳng định vẻ đẹp của Vũ Nương và dành sự trân trọng đối với nàng. Nhà nghiên cứu Đỗ Kim Hồi viết: “Đức hạnh của Vũ Nương là đức hạnh của một người vợ hiền, dâu thảo, một người yêu mến cảnh gia đình và làm tất cả để giữ gìn, vun vén cho hạnh phúc gia đình”[14]. Sách giáo viên Ngữ văn 9 do GS Nguyễn Khắc Phi làm Tổng chủ biên đánh giá: “Vũ Nương là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục… hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình”[15]. TS Nguyễn Thị Tính cho rằng: “Từ điểm nhìn Nho giáo, Vũ Nương người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”… “Dung, ngôn, hạnh của Vũ Nương đã chứng tỏ nàng thực là một người đàn bà theo đúng chuẩn mực của Nho gia. Từ điểm nhìn dân gian soi chiếu, nàng cũng là lí tưởng… Đặt Vũ Nương từ cả hai điểm nhìn: chuẩn mực Nho giáo và so với dân gian, Nguyễn Dữ đã xây dựng một Vũ Nương thực sự lí tưởng”[16]. Nhà giáo Trần Thị Bích Hà nhìn nhận: “Vũ Nương đã làm tròn bổn phận: con dâu hiếu thảo, người vợ thương chồng, thủy chung, tiết hạnh”; và bổ sung một phẩm chất đáng trân trọng của Vũ Nương mà trong lịch sử tiếp nhận chưa thấy ai đề cập, đó là ý thức cao về nhân phẩm “Khi lựa chọn chết chứ không tiếp tục sống trong sự nghi ngờ, phải mang tiếng là thất tiết, chứng tỏ nàng coi danh dự, phẩm giá cao hơn cả sự sống. Vì danh dự nàng hy sinh sự sống mà mỗi người chỉ có được một lần”[17].

Hầu hết, người đọc cảm thương cho số phận của nàng. “Tác phẩm kết lại, người đọc vẫn không nguôi trăn trở. Vũ Nương đáng thương.Vì phẩm hạnh, tiết trinh là vậy mà cuối cùng lại bị nghi ngờ oan uổng – bị nghi thất tiết – điều bị coi là ghê tởm nhất đối với đàn bà thời trung đại. Mắc tội thất tiết, đàn bà xưa bị gọt gáy bôi vôi, bị thả bè trôi sông, thậm chí thả rọ trôi sông. Cho nên nàng đã uất ức tự vẫn”[18]; “Vũ Nương, bi kịch sống không được lựa chọn” và “Vũ Nương, bi kịch chết do lựa chọn”, “đã chứng tỏ xã hội bất bình đẳng nghiêm trọng. Còn bất bình đẳng, bất công thì còn nhiều phụ nữ hoặc phải âm thầm chịu đựng, hoặc đẩy họ đến bế tắc cùng đường đành phải chọn cái chết bi thảm”[19]; và rất nhiều độc giả khác cùng bày tỏ niềm thương xót.

Tuy nhiên, gần đây, có ý kiến trái chiều, khi đánh giá Vũ Nương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na “công bằng mà xét, cái bi kịch của Vũ Thị Thiết một phần là do nàng”[20]. Còn Nguyễn Thị Tính cho rằng: “Nàng đã nói dối con… nàng đã vô tình lừa con – lừa đối tượng là con trẻ cực kỳ ngây thơ, lại lừa vào chính một trong những điều thiêng liêng nhất của cuộc đời mỗi con người – đó là cha của nó. Do đó, tác hại lớn đã xảy ra”[21]. ThS Phan Thị Thanh Thủy dành hai bài viết để trình bày nhận xét về Vũ Nương, cho rằng Vũ Nương cả công, dung, ngôn, hạnh đều chưa tròn “Người phụ nữ cần đức hi sinh thì nàng lại tỏ ra ích kỉ; đáng nhẫn nhục thì nàng lại hồ đồ nóng vội; nên nhân hậu, vị tha thì nàng lại trói buộc sự vô cảm, lạnh lùng, tàn nhẫn…”[22]; và còn nữa “Nàng quả là kiểu người phụ nữ với bề ngoài thùy mị nết na nhưng ẩn chứa trong đó một bản tính vô cảm, lạnh lùng đến tàn nhẫn mà đôi khi người đời đã coi đó như một chuẩn mực của đạo đức”[23].

2.3. Về một số tình tiết, chi tiết trong truyện

2.3.1. Về chi tiết “cái bóng”

Là chi tiết quan trọng bậc nhất trong tác phẩm, được nhiều độc giả bàn luận, vừa là thắt nút vừa là gỡ nút. Người đọc hầu hết hiểu rằng vì quá nhớ chồng mà nàng vẫn thường chỉ bóng mình trên vách và nói đùa với con đó là cha Đản.

Nhưng có ý kiến cho rằng Vũ Nương đã lừa dối con như nhận định của Nguyễn Thị Tính ở trên. Có người lại đánh giá Vũ Nương là người thích sống ảo[24]. Nghiên cứu kỹ chi tiết cái bóng theo hướng liên văn bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Nam nhận định: “Chỉ bóng, dỗ con, bảo đấy là cha – hành vi ấy thoạt như chuyện bông đùa hời hợt, nhưng thực ra lại ẩn sâu bên dưới nó những tầng tâm thức phức tạp. Chiếc bóng ở đây vừa là “phân thân”, vừa là “phản thân”[25].

Và có lẽ nhiều người đồng tình với GS Nguyễn Đình Chú “Có đúng là sự tan nát hạnh phúc của Vũ Nương đã bắt đầu từ cái bóng của chính Vũ Nương không?… đời Vũ Nương tan nát bắt đầu từ đấy. Từ cái bóng kia”[26].

2.3.2. Về chi tiết cái chết của Vũ Nương

Hầu hết người đọc cảm thương nàng khi phải chọn cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhà giáo Trần Thị Bích Hà viết rằng “Chúng ta đều biết nàng tự giết cuộc đời mình, nàng tự chọn cái chết. Và đó là thứ đầu tiên và có lẽ duy nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của mình nàng được tự chọn”, “nàng đã không có lựa chọn nào khác”; “Vũ Nương đành lựa chọn, một sự lựa chọn đau đớn, đó là nàng phải chết để bày tỏ nỗi oan khiên, để minh chứng sự trong sạch của mình”; “Việc Vũ Nương phải chết giữa tuổi thanh xuân mà nguyên nhân từ chuyện ghen tuông, từ bi kịch gia đình thực ra thời nào cũng có. Song với Chuyện người con gái Nam Xương và truyện nữa trong Truyền kỳ mạn lục là Người nghĩa phụ ở Khoái Châu, câu chuyện kể về nàng Nhị Khanh bị chồng gá bạc nhục nhã tìm đến cái chết để giải thoát, Nguyễn Dữ muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ thời ông sống phải chịu nhiều bất công, phải chịu sự nghiệt ngã của số phận”[27].

Song nhà giáo Phan Thị Thanh Thủy lại có cách nhìn khác: “Cái chết nàng lựa chọn là một thái độ sống vô trách nhiệm với xóm làng và đặc biệt mẹ chồng nơi chín suối đau đáu một niềm tin vào nàng; với con thơ dại cút côi cần mẹ chăm bẵm và đấng sinh thành khổ đau vì cái chết phũ phàng nàng gieo nên… Một cái chết không ngoài mục đích minh chứng cho sự tròn trịa của nàng. Qua hành động đủ thấy Vũ Nương là người phụ nữ đầy ích kỉ, không có đức hi sinh”, “Nàng chết để chứng minh sự vô tội của mình đồng thời cảnh báo hành động của Trương Sinh, khác với những cái chết do căng thẳng, ức chế, bức tử, dồn ép. Nàng quả thật táo bạo, vô cảm”[28].

2.3.3. Về tình tiết Vũ Nương ở dưới Thủy cung và kết thúc truyện

Là phần sáng tạo của Nguyễn Dữ so với truyện dân gian. Các độc giả thống nhất về tác dụng nghệ thuật nhưng lại có nhìn nhận khác nhau về nội dung ý nghĩa. Người thì nhìn nhận “Phần sáng tạo có tính hoang đường ấy ngoài việc tăng hấp dẫn cho câu chuyện, còn chuyển tải được ý đồ của nhà văn về cái gọi là kết thúc có hậu. Dẫu sao thì nàng đã được minh oan, không chỉ riêng chàng Trương thấu nỗi oan của vợ, mà quan trọng hơn là mọi người cũng biết được điều đó qua việc Trương Sinh lập đàn tràng suốt ba ngày ba đêm bên bến Hoàng Giang”[29], nhưng có người lại nhận xét khác: “Với lối kết thúc không có hậu giống như phần lớn kết thúc của truyện truyền kì, Nguyễn Dữ cho thấy thêm một sự trớ trêu khắc nghiệt nữa của cuộc đời: hạnh phúc khó giữ, khó viên mãn mà đánh mất đi rồi thì không thể lấy lại, như bát nước đã đổ thì không thể vớt lại cho đầy!”[30]. Cá biệt có độc giả đánh giá: “Nguyễn Dữ là cây bút tài ba trong sáng tạo nghệ thuật khi thêm phần li kỳ trong tác phẩm để nàng sống tiếp ở thủy cung với dụng ý bóc trần cái thực của con người Vũ Nương một cách hoàn chỉnh, thống nhất”[31].

3. Bàn thêm về phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học

Từ trường hợp Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, chúng ta thấy rõ, cảm nhận, đánh giá về một tác phẩm văn học có thể nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có thể nhiều khác biệt. Tùy vào năng lực, trình độ, hoàn cảnh sống, những trải nghiệm, v.v… mà người đọc sẽ có những nhìn nhận khác nhau. Chính vì thế, từ cuối thế kỷ XX đến nay, trong khoa học văn chương, lý thuyết về tiếp nhận văn học rất được chú ý. Nếu như trước kia, người ta tập trung tìm hiểu về tác giả và tác phẩm, thì giờ đây giới văn chương dành thêm sự quan tâm vào hoạt động tiếp nhận. Cộng đồng văn học Việt Nam dần ý thức sâu sắc, rằng trong hai loại lịch sử khác nhau của tác phẩm văn học là lịch sử sáng tạo và lịch sử tiếp nhận thì loại lịch sử sau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người đọc không chỉ là người thưởng thức, khám phá mà là người “đồng sáng tạo” và trở thành một bộ phận quan trọng trong chuỗi: tác giả – tác phẩm – người đọc. Việc một tác phẩm được nhiều người đón đọc, tìm hiểu, khám phá, bàn bạc… đó là điều đáng mừng cho đời sống văn học và là hạnh phúc của tác giả. Tuy nhiên, việc tiếp nhận cần có cơ sở khoa học thuyết phục, tránh suy diễn gán ghép. Các nhà lý luận trong và ngoài nước đã xây dựng lý thuyết tiếp nhận tác phẩm văn học ở nhiều góc độ. Trong bài này, chúng tôi bàn thêm cách tiếp nhận Chuyện người con gái Nam Xương ở góc độ tác giả, góc độ văn bản và góc độ văn hóa. Ngoài ra, tôi bàn thêm ở một góc độ tiếp nhận nữa, đó là góc độ nhà trường phổ thông.

3.1. Tiếp nhận từ góc độ tác giả

Giới văn chương từ lâu đã gọi tác phẩm văn học là “đứa con tinh thần” của nhà văn, đó là cách nói chính xác. Quá trình “thai nghén”, “sinh nở” một tác phẩm nghệ thuật của nhà văn nói riêng, người nghệ sĩ nói chung trải qua biết bao nhiêu cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi… Những điều nhà văn, nhà thơ viết ra là từ gan ruột, là ký thác thiêng liêng của tâm hồn, tư tưởng tác giả. Mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm là mối quan hệ vô cùng đặc biệt, từ lâu đã được các nhà lý luận tìm hiểu, nghiên cứu. Bởi chúng ta biết rằng, nhà văn sáng tác thường là do nhu cầu tự thân, có sự thôi thúc tự bên trong, có thể rất riêng tư. Chính vì thế, giới phê bình, nghiên cứu và giảng dạy, luôn muốn tiếp cận được nhiều nhất thông tin về tác giả.

Với các tác giả thời kỳ văn học trung đại, do khoảng cách thời gian và hoàn cảnh xã hội, người đọc thế kỷ XXI không có nhiều thông tin về tác giả, trong đó có trường hợp Nguyễn Dữ (ngay cả tên của ông, cũng có người cho là Nguyễn Dư, rồi năm sinh – năm mất cũng không rõ). Trong các thông tin về tác giả, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến những thông tin liên quan đến tác phẩm như sự ra đời của tác phẩm (nhà văn, nhà thơ sáng tác tác phẩm trong hoàn cảnh cụ thể nào), thời đại mà tác giả sống (chế độ chính trị, kinh tế – xã hội, lịch sử, tôn giáo, văn hóa, đời sống văn học, tư tưởng chủ đạo của văn học…), những thăng trầm, biến cố trong cuộc đời, quan điểm nhân sinh, quan điểm nghệ thuật, quan điểm chính trị, phong cách nghệ thuật, các tuyên ngôn của tác giả, những tác phẩm khác của cùng tác giả, v.v…

Với Chuyện người con gái Nam Xương, là một truyện nằm trong tập truyện, để hiểu rõ hơn truyện này, người đọc cần hiểu tư tưởng chung của nhà văn qua cả tập truyện Truyền kỳ mạn lục, đặc biệt là tư tưởng và thái độ của nhà văn về người phụ nữ, về chế độ phong kiến nam quyền,… Chúng ta dễ dàng nhận ra nội dung chính của tập truyện: “tác phẩm muốn gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian hiểm nịnh hót đầy triều đình; những kẻ quan cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành, thậm chí đến chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người… Kết quả là người dân lương thiện, đặc biệt là phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ. Nguyễn Dữ dành nhiều ưu ái cho những nhân vật này. Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ xinh đẹp, chuyên nhất, tảo tần, giàu lòng vị tha nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm…”[32]; “Ở thời đại ông (Nguyễn Dữ), không một người phụ nữ nào có hạnh phúc cả cho dù họ sống theo kiểu nào. Ngoan ngoãn, thủy chung, làm trọn phận người vợ, người mẹ hoặc phá phách,… thì cái chết cả về vật chất lẫn tinh thần đều là chung cục cho mọi kiếp đàn bà”[33]. Thực ra đó cũng là hiện thực và cảm hứng chung của cả giai đoạn văn học từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XIX.

Nắm được nội dung tư tưởng chung của cả tập truyện như vậy, chúng ta hiểu được rõ hơn chủ đề và tư tưởng của Chuyện người con gái Nam Xương. Nguyễn Dữ kể câu chuyện về Vũ Thị Thiết một thiếu phụ đẹp người, đẹp nết, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp, đáng được hưởng hạnh phúc nhưng phải chịu số phận bi thảm “bạc mệnh cũng là lời chung”, qua đó bộc lộ sự trân trọng và niềm thương cảm sâu sắc đối với phụ nữ thời phong kiến mà nhà văn sống. Vậy thì ý kiến cho rằng Vũ Nương ích kỷ, tàn nhẫn, vô cảm… (mà chúng tôi đã dẫn ở trên) là chưa đúng với ý đồ của tác giả/người sáng tác.

3.2. Tiếp nhận từ góc độ văn bản

Đây là góc độ tiếp nhận quan trọng, cơ bản bậc nhất, có thể coi là trung tâm của hoạt động tiếp nhận văn học. Mặc dù, tác giả là “cha đẻ” tác phẩm, nhưng tác phẩm là một “sinh thể”, sau khi tác giả sáng tạo xong nó có đời sống và số phận riêng, có tính độc lập tương đối với tác giả. Tìm hiểu văn bản, người đọc cần tìm hiểu thể loại, kết cấu, ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật; tìm hiểu đề tài, chủ đề, tư tưởng, hình tượng nghệ thuật, các yếu tố thời gian, không gian nghệ thuật, quan niệm về con người, v.v…

Khi tìm hiểu một tác phẩm, chúng ta phải đặt tác phẩm trong tính tổng thể, thống nhất, bởi nhà văn, nhà thơ khi sáng tác thì sử dụng mọi yếu tố nhằm thể hiện một hoặc vài ba chủ đề, tư tưởng, để gửi gắm một hoặc vài ba thông điệp đến người cùng thời, có khi là với hậu thế. Cho nên sẽ là sai lầm nếu tách một chi tiết ra phân tích, đánh giá ý nghĩa của nó, cho rằng nó đối lập với ý nghĩa toàn văn bản.

Với Chuyện người con gái Nam Xương, qua lịch sử tiếp nhận, chúng ta thấy, một số ý kiến gần đây hiểu về chủ đề – tư tưởng có những điểm mới; về Trương Sinh và Vũ Nương cũng có những điểm khác, đặc biệt là về Vũ Nương. Mở đầu tác phẩm, nhà văn giới thiệu Vũ Thị Thiết “thùy mị, nết na”, nhưng gần đây có ý kiến (đã dẫn ở mục 2.2.2) cho rằng nàng ích kỷ, lạnh lùng, tàn nhẫn (qua việc lựa chọn cái chết và việc kết thúc truyện nàng không trở về). Nếu hiểu như vậy thì người đọc đó đã không xét nhân vật trong tính thống nhất. Từ xưa đến nay, các nhà văn hoặc có hoặc không giới thiệu tính cách nhân vật ở phần đầu tác phẩm, sau đó bằng các tình tiết, chi tiết cụ thể, tính cách nhân vật sẽ được thể hiện cụ thể qua lời nói, hành động, tâm trạng nhân vật… Sẽ không có chuyện tính cách nhân vật qua các tình tiết, chi tiết lại trái ngược, đối lập với lời giới thiệu ban đầu. Như thế thì khác gì nhà văn phủ nhận chính lời của mình, cãi lại chính mình. Cho nên với Chuyện người con gái Nam Xương, hiểu Vũ Nương ích kỷ, tàn nhẫn, lạnh lùng với con, với chồng là chưa hợp lí.

3.3. Tiếp nhận từ góc độ văn hóa

Văn học là một bộ phận của văn hóa. Khi nhà văn sáng tạo tác phẩm thì văn hóa là yếu tố vừa nằm bên trong nhà văn vừa là yếu tố chi phối đến toàn bộ hoạt động sáng tác. Đến lượt người đọc, cũng tiếp nhận tác phẩm bằng “đôi mắt” văn hóa. Người đọc sẽ xem xét hầu hết các yếu tố bằng văn hóa của chính mình và dân tộc mình, từ thể loại, đề tài, chủ đề, tư tưởng, đến nhân vật (tên gọi, trang phục, diện mạo, lời ăn tiếng nói, không gian sống của nhân vật, tính cách nhân vật..), ngôn ngữ và các cách sử dụng ngôn ngữ… Các yếu tố văn hóa Việt thấm đẫm trong Chuyện người con gái Nam Xương: chuyện về một phụ nữ ở một làng quê bên dòng Hoàng Giang cụ thể, hôn nhân không khác gì mua bán, rồi chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, rồi lo phụng dưỡng mẹ chồng, ma chay tế lễ lúc mẹ chồng mất, rồi giữ gìn tiết hạnh với chồng, rồi chồng nghi ngờ thất tiết bị chửi mắng, đánh đập, đuổi đi, rồi lập đàn tràng giải oan… ; rồi một số đoạn văn biền ngẫu, giàu hình ảnh, nhiều thành ngữ,… tất cả những thứ đó đều là văn hóa Việt Nam thời phong kiến, Nho giáo độc tôn, đề cao nam quyền, phụ nữ phải tam tòng tứ đức, thất tiết là tội lớn nhất của phụ nữ… Người đọc tiếp nhận tác phẩm phải đặt tác phẩm vào không gian, thời gian văn hóa ấy. Biết như vậy để chúng ta hiểu vì sao Vũ Nương buộc phải chọn cái chết. Biết như vậy để tránh cách nhìn nhận cho rằng Vũ Nương không thương con, nàng ích kỷ, tàn nhẫn như một độc giả đã nhìn nhận.

Việc nhà văn sáng tạo tình tiết Vũ Nương được nương nhờ dưới Thủy cung rồi sau đó được chính Trương Sinh lập đàn giải oan cũng là yếu tố văn hóa. Trong tâm linh người Việt, người chết trẻ mà còn nhiều oan khuất thì hồn của họ vẫn còn, họ chỉ thoát sang kiếp khác khi không còn oan khuất, không còn bị ràng buộc với dương gian. Tình tiết mang tính văn hóa tâm linh này giúp sáng tỏ thêm phẩm chất nhân vật và như là một sự an ủi cho hồn người phụ nữ bất hạnh này.

3.4. Tiếp nhận ở góc độ giảng dạy tác phẩm trong nhà trường phổ thông

Có thể nói với lý thuyết tiếp nhận hiện nay, không gian tiếp nhận tác phẩm văn học ngày càng rộng mở, góc độ tiếp nhận ngày càng nhiều. Hiện nay, ngành giáo dục đang bước đầu thực hiện việc đổi mới mục tiêu, phương pháp, chương trình, SGK; có giáo viên (GV) hiểu chưa đúng về vai trò tổ chức, hướng dẫn của GV và vai trò trung tâm của học sinh (HS), cho nên trong giờ dạy – học, GV tung vấn đề ra, cho HS phát biểu thoải mái mà cuối cùng GV không chốt lại giá trị cơ bản của tác phẩm.

Chúng ta biết rằng, người đọc, người tiếp nhận văn học là đủ mọi thành phần, nghề nghiệp, trình độ, lứa tuổi… khác nhau. Và với quan niệm mở về tiếp nhận văn học như hiện nay, sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau về một tác phẩm văn học, về một nhân vật, một tình tiết, chi tiết của tác phẩm. Đó là điều bình thường, và là tốt cho tác phẩm và tác giả đó nói riêng, cho đời sống văn học nói chung. Nhưng không phải vì thế mà mọi ý kiến của người đọc đều đưa vào trường học. Người biên soạn SGK và GV rất cần cân nhắc nên đưa những giá trị nào vào bài học cho học sinh. Tùy đối tượng học sinh, nhất là lứa tuổi của các em để Hội đồng biên soạn chọn nội dung giáo dục phù hợp, và GV hướng dẫn học sinh tiếp nhận những giá trị phù hợp, có ý nghĩa giáo dục cao.

Với Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, những nội dung mà SGK Ngữ văn 9 nêu ra, theo tôi đối với học sinh lớp 9, tuổi 14 – 15 như thế là phù hợp. Nếu dạy cho HS lớp 11-12 chúng ta có thể bổ sung nội dung mà GS Nguyễn Đình Chú và TS Nguyễn Thị Tính đã đề cập, đó là sự nghiệt ngã của đời sống, sự mong manh, dễ vỡ của hôn nhân và hạnh phúc… Còn ý kiến cho rằng Vũ Nương ích kỷ, lạnh lùng, tàn nhẫn, thích sống ảo… thì không thể chấp nhận, bởi như chúng tôi đã nói ở trên, điều đó trái với quan điểm của tác giả, với cảm hứng chủ đạo của văn học cả giai đoạn, vi phạm tính chỉnh thể, thống nhất của cấu trúc văn bản.

Chú thích

(1)https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BB%87n_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_con_g%C3%A1i_Nam_X%C6%B0%C6%A1ng), truy cập ngày 28/09/2021.

(2) SGK Ngữ văn 9 tập 1, Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên), NXB Giáo dục, 2005, tr.51

(3) Nguyễn Nam, “Cái bóng và những khoảng trống trong văn chương”, Tạp chí Văn học, số 4/2004. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=389:cai-bong-va-nhng-khong-trng-trong-vn-chng-&catid=94:ly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135, truy cập ngày 28/09/2021.

(4) Nguyễn Đình Chú, Nói thêm về Chuyện người con gái Nam Xương, http://tapchivan.com/tin-van-hoc-trong-nha-truong-noi-them-ve-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong–262.html, truy cập ngày 28/09/2021.

(5) Tuệ Anh, Chuyện người con gái Nam Xương: Số phận đau thương của người phụ nữ phong kiến- https://revelogue.com/truyen-ngan-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong/, truy cập ngày 09/10/2021.

(6) Nguyễn Đình Chú, tlđd.

(7) Nguyễn Thị Tính, Chuyện người con gái Nam Xương thông điệp của Nguyễn Dữ về cuộc đời http://ms.hpu2.edu.vn/vi/khoa-ngu-van/nghien-cuu-khoa-hoc/chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-thong-diep-cua-nguyen-du-ve-cuoc-doi-110.html, truy cập ngày 28/09/2021.

(8) Đỗ Kim Hồi, Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học (Trần Đình Sử chủ biên) Chuyện Người con gái Nam Xương, NXB Giáo dục, H. tr.36-37, 33).

(9) Nguyễn Nam, tlđd.

(10) Nguyễn Thị Tính, tlđd.

(11) Nguyễn Đình Chú, tlđd.

(12) Nguyễn Thị Tính, tlđd.

(13) Phan Thị Thanh Thủy – Vũ Nương, nhìn nhận và suy xét http://vanhoanghean.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/12173-vu-nuong-nhin-nhan-va-suy-xet), truy cập ngày 29/09/2021.

(14) Đỗ Kim Hồi, tlđd.

(15) Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên), Sách giáo viên Ngữ văn 9, tập1, NXB Giáo dục, 2005.

(15) Nguyễn Thị Tính, tlđd.

(17) Trần Thị Bích Hà, “Vũ Nương, cuộc sống và cái chết”, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 3/2018.

(18) Nguyễn Thị Tính, tlđd.

(19) Trần Thị Bích Hà, tlđd.

(20) Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1 – NXB.Giáo dục, H., 1999, tr.213.

(21) Nguyễn Thị Tính, tlđd.

(22) Phan Thị Thanh Thủy – Vũ Nương, nhìn nhận và suy xét, tlđd.

(23) Phan Thị Thanh Thủy, Một cốt truyện hai ý đồ nghệ thuật, http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/12334-mot-cot-truyen-hai-y-do-nghe-thuat-so-sanh-truyen-co-tich-vo-chang-truong-va-truyen-truyen-ky-nguoi-con-gai-nam-xuong-cua-nguyen-du, truy cập ngày 29/09/2021.

(24) Phan Thị Thanh Thủy, tlđd, trong Vũ Nương, nhìn nhận và suy xét đã viết: “Chiếc bóng đã vận vào nàng nỗi oan khiên… kèm theo ý thức sống nương nhờ, sống ảo”, …Nàng dùng chiếc bóng để khỏa lấp khoảng trống thời gian, không gian thực bằng ảo ảnh phi thực…, nàng xử lí theo cách của phận nương nhờ, của cuộc sống ảo…”

(25) Nguyễn Nam, tlđd.

(26) Nguyễn Đình Chú, tlđd.

(27) Trần Thị Bích Hà, tlđd, tất cả các trích dẫn trong đoạn này.

(28) Phan Thị Thanh Thủy, tlđd, tất cả các trích dẫn trong đoạn này.

(29) Trần Thị Bích Hà, tlđd.

(30) Nguyễn Thị Tính, tlđd.

(31) Phan Thị Thanh Thủy, tlđd, trong Vũ Nương, nhìn nhận và suy xét cho rằng cái chết đã bóc trần sự vô cảm, lạnh lùng dẫn đến độ tàn nhẫn của Vũ Nương.

(32) https://vi.wikipedia.org/wiki/Truy%E1%BB%81n_k%E1%BB%B3_m%E1%BA%A1n_l%E1%BB%A5c, truy cập ngày 28/09/2021.

Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ đâu?

Nguồn gốc. Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục (Cùng với 11 trong 20 truyện về phụ nữ). Nguồn gốc của truyện bắt nguồn từ một truyện cổ tích dân gian tên là Vợ chàng Trương.

Chuyện người con gái Nam Xương cho ta biết điều gì?

Nguyễn Dữ đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tác phẩm Truyền kì mạn lục để phản ánh bất công xã hội, ca ngợi vẻ đẹp của người người phụ trong xã hội phong kiến thông qua Vũ Nương - người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, tư dung đẹp, tính tình hiền dịu nết na nhưng lại có cuộc đời đầy bi kịch.

Chuyện người con gái Nam Xương có thể loại gì?

- Thể loại: Truyện truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những truyện kỳ lạ vẫn được lưu truyền).

Chuyện người con gái Nam Xương ra đời năm bao nhiêu?

- Ra đời vào thế kỷ XVI, xã hội phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn suy vong. - Truyện mang đậm giá trị nhân văn, được đánh giá là áng "Thiên cổ kì bút". - Gồm 20 truyện, ghi chéo lại những câu chuyện được lưu truyền, tản mạn trong dân gian và thường có yếu tố kỳ ảo.