Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu luật so sánh

Khác với các lĩnh vực khoa học pháp lý khác như luật dân sự, luật hình sự, luật hành chính hay luật hiến pháp tập trung nghiên cứu lĩnh vực pháp luật nhất định của hệ thống pháp luật, luật so sánh không nghiên cứu so sánh các ngành luật, các chế định pháp luật hay các quy phạm pháp luật khác nhau trong cùng hệ thống pháp luật.

Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu luật so sánh

Cho dù còn tranh luận về bản chất của luật so sánh nhưng các luật gia đều thừa nhận “việc so sánh các hệ thống pháp luật khác nhau nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt của chúng” là nội dung cơ bản của các công trình nghiên cứu luật so sánh. Từ đó có thể nhận định rằng các hệ thống pháp luật là đối tượng của luật so sánh. Tuy nhiên, vấn đề đối tượng của luật so sánh trở nên phức tạp xuất phát từ nội hàm của khái niệm hệ thống pháp luật.

“Hệ thống pháp luật” (legal system) là khái niệm có nhiều nội hàm khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh sử dụng thuật ngữ đó. Có hai ngữ cảnh thường được các học giả sử dụng khi nói đến hệ thống pháp luật.

Thứ nhất, thuật ngữ “hệ thống pháp luật” được sử dụng gắn với pháp luật của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ nào đó. Chẳng hạn, thuật ngữ hệ thống pháp luật được sử dụng để nói đến hệ thống pháp luật của Mỹ với hàm ý là quốc gia nhưng cũng có thể ám chỉ hệ thống pháp luật của từng bang trong nhà nước liên bang Mỹ. Hoặc khi nói đến pháp luật của Trung Quốc hiện nay, thuật ngữ hệ thống pháp luật có thể được sử dụng để nói đến toàn bộ pháp luật của Trung Quốc nhưng cũng có thể được sử dụng để nói đến hệ thống pháp luật của Hồng Kông với tư cách là một bộ phận của hệ thống pháp luật Trung Quốc.

Với ngữ cảnh đó, hệ thống pháp luật thường được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật của quốc gia hay vùng lãnh thổ.” Cũng có học giả mở rộng nội hàm của khái niệm hệ thống pháp luật khi đặt nó trong mối quan hệ với quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhất định. Theo đó, hệ thống pháp luật không chỉ là tổng thể các quy phạm pháp luật mà còn bao hàm cả các thiết chế pháp luật của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ.” Vì thế, khi trình bày về hệ thống pháp luật nào đó, các học giả, các nhà nghiên cứu không phải chỉ nói đến hệ thống quy phạm pháp luật mà còn nói đến cả các thiết chế pháp luật như toà án, các cơ quan tài phán… Thậm chí, hệ thống pháp luật còn được xác định bao gồm: 1) Tất cả các quy tắc xử sự mang tính pháp lý có hiệu lực ở một nước; 2) Tất cả các quy phạm thiết chế quy định về việc thành lập và hoạt động các thiết chế pháp lý bao gồm phương pháp luận của các thiết chế đó, chẳng hạn các phương pháp giải thích và sự tuân thủ tiền lệ hành chính và án lệ), cùng với 3) Tất cả những người thực hiện việc ban hành, giải thích và áp dụng các quy phạm pháp luật, gồm các luật gia”. Hơn thế nữa, có học giả còn mở rộng khái niệm hệ thống pháp luật đến mức đưa vào trong nội hàm của nó tất cả những vấn đề có liên quan đến nội dung cũng như sự vận hành của pháp luật trong xã hội. Theo đó, ngoài các quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật còn bao hàm các yếu tố khác như phạm vi điều chỉnh của pháp luật (legal extention), mức độ điều chỉnh của pháp luật (legal penetration), văn hoá pháp luật, các thiết chế pháp lý (toà án, cơ quan lập pháp, cơ quan hành chính, cơ sở đào tạo luật, hội luật gia), những người hành nghề luật và các thủ tục pháp lý.

Thứ hai, bên cạnh việc sử dụng hệ thống pháp luật” để nói đến pháp luật của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, thuật ngữ này còn được sử dụng để nói đến pháp luật của một nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà hệ thống pháp luật của chúng có những điểm chung nhất định. René David, trong công trình giới thiệu về các hệ thống pháp luật lớn trên thế giới đã sử dụng thuật ngữ “hệ thống pháp luật” khi nói đến nhóm hệ thống pháp luật của các nước thuộc lục địa châu Âu – hệ thống pháp luật La Mã – Giécmanh (The Romano – Germanic system of law). Tương tự như vậy, nhiều học giả luật so sánh khác cũng sử dụng thuật ngữ hệ thống pháp luật để nói đến pháp luật của nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Peter de Cruz trong cuốn “Comparative Law in a changing world” (luật so sánh trong thế giới thay đổi) cũng sử dụng thuật ngữ “hệ thống pháp luật” khi nói đến nhóm pháp luật của phần lớn các nước Tây Âu, các nước Mỹ Latinh, các nước vùng Đông Á và phần lớn các nước châu Phi (Civil law system). Nhiều học giả khác cũng sử dụng thuật ngữ hệ thống pháp luật để nói đến hệ thống pháp luật Anh-Mỹ (Anglo-American system); hệ thống pháp luật XHCN (Socialist legal system). Điều dễ nhận thấy là khi sử dụng thuật ngữ “hệ thống pháp luật” để nói đến pháp luật của nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó, các học giả không có hàm ý rằng nội dung của thuật ngữ này là hệ thống quy phạm, các chế định pháp luật và các thiết chế pháp lý hoặc bao hàm cả mức độ, phạm vi điều chỉnh pháp luật giống như “hệ thống pháp luật” của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Khi sử dụng khái niệm “hệ thống pháp luật” để nói đến pháp luật của nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, nội hàm của nó đã được mở rộng hơn rất nhiều. Theo đó, hệ thống pháp luật là “triết học pháp luật và kỹ thuật pháp lý chung của nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ nào đó.

Một số học giả, thay vì sử dụng thuật ngữ “hệ thống pháp luật” đã sử dụng thuật ngữ “dòng họ pháp luật” (legal family) để chỉ nhóm hệ thống pháp luật có những điểm chung nhất định. Vì vậy, trong các công trình luật so sánh, chúng ta cũng gặp các thuật ngữ như “Dòng họ pháp luật La Mã – Giécmanh (Romano-Germanic family) hay dòng họ pháp luật Anh-Mỹ (Anglo-American legal family hoặc Common law), dòng họ pháp luật XHCN (Socialist legal family). René David trong cuốn “Các hệ thống pháp luật trên thế giới đương đại” (Major legal systems in the world today) cũng sử dụng thuật ngữ dòng họ pháp luật thay cho thuật ngữ “hệ thống pháp luật” khi ông nói về dòng họ pháp luật La Mã – Giécmanh. Nhiều học giả luật so sánh trong các công trình nghiên cứu của mình cũng chấp nhận thuật ngữ “dòng họ pháp luật” để nói đến nhóm hệ thống pháp luật của các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Chẳng hạn như Konrad Zweigert and Hein Kotz trong cuốn “Giới thiệu về luật so sánh” cũng sử dụng thuật ngữ dòng họ pháp luật để nói đến nhóm hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trong công trình của mình, đôi khi ông cũng sử dụng thuật ngữ hệ thống pháp luật để thay thế thuật ngữ dòng họ pháp luật.

Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu luật so sánh
Hình minh họa. Đối tượng của luật so sánh là gì?

“Mặc dù không có định nghĩa rõ ràng về dòng họ pháp luật nhưng nó có thể được xem là phương tiện mang tính khái niệm và phương pháp luận của các luật gia so sánh, chứ không phải là các nhà xã hội học pháp luật hoặc lý luận về pháp luật”. Dòng họ pháp luật, xét ở khía cạnh ngôn ngữ, phản ánh mối quan hệ mang tính chất lịch sử của các hệ thống pháp luật trong cùng dòng họ. Mối quan hệ này đôi khi được ví như mối quan hệ giữa các thế hệ trong dòng tộc nào đó của con người. Vì thế, trong dòng họ pháp luật, có thể nói hệ thống pháp luật nào đó như là hệ thống pháp luật gốc hoặc hệ thống pháp luật bố/mẹ (parent legal system). Chẳng hạn, hệ thống pháp luật Anh được xem như là hệ thống pháp luật “bố/mẹ” của dòng họ Common law. Điều đó cũng có nghĩa là có những hệ thống pháp luật nào đó được xác định thuộc dòng họ nhất định nhưng nó không phải là hệ thống pháp luật gốc của dòng họ này. Vì thế, các hệ thống khác nhau của một dòng họ có thể được xem là những “thế hệ” khác nhau của dòng họ đó. Với ý nghĩa đó, thuật ngữ “dòng họ pháp luật” có lẽ là thích hợp hơn so với việc sử dụng thuật ngữ “hệ thống pháp luật” khi được dùng để nói đến nhóm hệ thống pháp luật các quốc gia có những điểm tương đồng về lịch sử hình thành, phát triển, triết lý pháp luật và kĩ thuật pháp lý…

Trong các công trình về luật so sánh của các học giả trên thế giới hiện nay, thuật ngữ “truyền thống pháp luật” cũng được sử dụng khá phổ biến để nói đến đối tượng của luật so sánh. “Truyền thống pháp luật” được hiểu là “hệ quan điểm có nguồn gốc sâu xa, được quy định bởi điều kiện lịch sử về bản chất của pháp luật, về vai trò của pháp luật trong xã hội và thể chế chính trị, về cấu trúc và sự vận hành riêng biệt của hệ thống pháp luật và cách thức pháp luật được hoặc có thể được làm ra, được áp dụng, được nghiên cứu, được hoàn thiện và được giảng dạy”. Về mặt nội dung, thuật ngữ này tương tự với thuật ngữ “hệ thống pháp luật” (theo nghĩa rộng) và vì thế ở chừng mực nào đó nó cũng không hoàn toàn khác biệt với “dòng họ pháp luật” nếu chúng ta đặt nó trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia/vùng lãnh thổ. Nhiều học giả sử dụng thuật ngữ “truyền thống pháp luật thay cho thuật ngữ “dòng họ pháp luật”. Vì thế, trong nhiều công trình luật so sánh, chúng ta có thể thấy thuật ngữ “truyền thống Civil law” được sử dụng thay cho thuật ngữ “hệ thống Civil law” hoặc “dòng họ Civil law”.

Tuy nhiên, trong mỗi truyền thống pháp luật lớn này lại có những truyền thống pháp luật bộ phận. Chẳng hạn, trong truyền thống Civil law có truyền thống pháp luật Pháp, truyền thống pháp luật Đức… Các nhà nghiên cứu cũng có thể nói đến truyền thống pháp luật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó, chẳng hạn, truyền thống pháp luật Hoa Kỳ, truyền thống pháp luật Ý hay truyền thống pháp luật Việt Nam… Vì vậy, thuật ngữ truyền thống pháp luật cũng có thể được sử dụng gắn liền với phạm vi lãnh thổ nhất định mà ở đó chỉ có một hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là sự thể hiện rõ nét nhất truyền thống pháp luật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó bởi vì “hệ thống pháp luật tạo thành bộ phận không thể thiếu của truyền thống pháp luật và ngược lại”. Nếu truyền thống pháp luật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là sự hỗn hợp, đan xen của nhiều truyền thống pháp luật khác nhau thì hệ thống pháp luật của quốc gia/vùng lãnh thổ đó cũng phản ánh tính chất hỗn hợp của truyền thống pháp luật đó. Vì thế, mặc dù khái niệm “truyền thống pháp luật” của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không đồng nhất với khái niệm hệ thống pháp luật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng việc so sánh truyền thống pháp luật của một quốc gia này với truyền thống pháp luật của một quốc gia khác cũng không nằm ngoài phạm vi của luật so sánh.

“Văn hoá pháp luật” cũng là thuật ngữ được các luật gia sử dụng để nói đến đối tượng của luật so sánh. Mặc dù quan niệm văn hoá pháp luật là những tư tưởng, những giá trị, những mong muốn và những quan điểm về pháp luật và các thiết chế pháp luật của bộ phận hoặc của một phần công chúng không phải là quan niệm được chấp nhận một cách tuyệt đối” nhưng ở mức độ nhất định, quan niệm đó cho thấy rằng “văn hoá pháp luật” tương đồng với hệ thống pháp luật” (theo nghĩa rộng) và “truyền thống pháp luật” mặc dù chúng không hoàn toàn đồng nhất. Có thể vì lý do này, có học giả kết luận rằng “văn hoá pháp luật là truyền thống pháp luật”.? Một học giả khác giải quyết mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật, truyền thống pháp luật và văn hoá pháp luật bằng nhận định: “Truyền thống pháp luật gắn kết hệ thống pháp luật với nền văn hoá mà hệ thống pháp luật là một phần biểu hiện của nền văn hoá đó. Truyền thống pháp luật đặt hệ thống pháp luật trong bối cảnh văn hoá”. Điều này cho thấy sẽ khó có thể tách biệt được một cách rõ ràng các khái niệm “hệ thống pháp luật”, “truyền thống pháp luật” và “văn hoá pháp luật” và vì vậy, khó có thể phủ nhận các công trình so sánh các truyền thống pháp luật hoặc so sánh các nền văn hoá pháp luật khác nhau nằm ngoài phạm vi luật so sánh.

Như vậy, đối tượng của luật so sánh không hoàn toàn bị giới hạn ở nội dung của các hệ thống pháp luật” theo nghĩa hẹp của từ này. Để xác định được những điểm tương đồng và khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, người nghiên cứu cần phải hiểu được các quy định của các hệ thống pháp luật đó. Để hiểu được các quy phạm pháp luật cần phải hiểu chúng được làm ra và được áp dụng như thế nào, và vì thế cần phải hiểu cách thức giải thích các quy phạm pháp luật đó. Để hiểu được cách thức giải thích các quy phạm pháp luật, cần phải hiểu được quan điểm về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà nó tồn tại, tư duy pháp lý của các luật gia nước đó, các nguồn pháp luật và thậm chí phải hiểu được cả cách thức đào tạo các luật gia ở quốc gia đó…

Do phạm vi và đối tượng của luật so sánh rộng như thế nên các nghiên cứu so sánh pháp luật có thể tiến hành so sánh một cách tổng thể, khái quát hệ thống pháp luật này với hệ thống pháp luật khác hoặc so sánh thành tố của hệ thống pháp luật này với thành tố tương ứng trong hệ thống pháp luật khác. Từ quan điểm đó, các học giả thường phân biệt hai cấp độ so sánh pháp luật là so sánh vĩ mô và so sánh vi mô.

So sánh vĩ mô là so sánh những vấn đề cốt lõi mang tính khái quát của các hệ thống pháp luật như các hình thức pháp luật, các phương pháp tư duy và các thủ tục được sử dụng trong các hệ thống pháp luật đó. Các nghiên cứu so sánh ở cấp độ vĩ mô thường tập trung vào các phương pháp xử lý các tài liệu pháp luật, trình tự, thủ tục để giải quyết các tranh chấp cũng như vai trò của các tài liệu và các thủ tục này trong hệ thống pháp luật. So sánh về các vấn đề như kĩ thuật lập pháp, phương pháp giải thích pháp luật, các loại nguồn và giá trị pháp lý của chúng trong hệ thống nguồn của các hệ thống pháp luật… cũng là những so sánh ở cấp

độ vĩ mô. Thêm vào đó, so sánh vĩ mô còn bao hàm việc so sánh các cơ quan pháp luật, so sánh triết lý pháp luật, so sánh các truyền thống pháp luật, so sánh văn hóa pháp lý…

So sánh ở cấp độ vi mô tập trung vào các vấn đề cụ thể trong các hệ thống pháp luật. Xét về phạm vi, so sánh vi mô không bao quát toàn bộ hệ thống pháp luật mà nó tập trung vào việc so sánh những thành tố cụ thể của hệ thống pháp luật như so sánh thuật ngữ pháp lý, so sánh khái niệm pháp lý, so sánh quy phạm pháp luật, so sánh các giải pháp pháp lý cho một vấn đề nào đó hay so sánh chế định pháp luật của các hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, việc so sánh chế định hợp đồng giữa các hệ thống pháp luật, so sánh các quy phạm điều chỉnh vấn đề hiệu lực của di chúc giữa các hệ thống pháp luật khác nhau là những so sánh ở cấp độ vĩ mô.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng sự phân biệt so sánh vĩ mô và so sánh vi mô chỉ mang tính tương đối. Ranh giới phân chia giữa So sánh vĩ mô và so sánh vi mô không phải khi nào cũng rõ ràng, sự phân biệt giữa hai loại so sánh này rất linh hoạt. Thông thường, việc nghiên cứu so sánh ở cấp độ vĩ mô và so sánh vi mô được thực hiện ngay trong cùng thời điểm, trong cùng công trình nghiên cứu. Điều này có nghĩa là khi tiến hành so sánh ở cấp độ vĩ mô, người nghiên cứu vẫn phải thực hiện các so sánh ở cấp độ vi mô và ngược lại, khi thực hiện so sánh ở cấp độ vi mô thì cũng không thể bỏ qua những so sánh ở cấp độ vĩ mô. Nói cách khác, khi muốn tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt của hai hệ thống pháp luật thuần túy, người nghiên cứu không thể không dựa vào những tương đồng và khác biệt giữa các chế định, các quy phạm pháp luật của các hệ thống pháp luật đó và ngược lại, để tìm hiểu sự khác biệt trong nội dung của chế định nào đó ở các hệ thống pháp luật khác nhau, người nghiên cứu cũng không thể không xác định sự khác biệt về cách thức giải thích các quy định của pháp luật ở các hệ thống pháp luật hoặc tầm quan trọng cũng như vị trí của chế định pháp luật đó ở các hệ thống pháp luật này.