Cơ quan thường trực của Quốc hội là gì

Theo Hiến pháp năm 1959, trong tổ chức của Quốc hội có Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Nhưng theo quy định của Hiến pháp năm 1980 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thay thế bằng Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Nhà nước vừa là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội vừa là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Việc định ra thiết chế Hội đồng Nhà nước nhằm mục đích tinh giản bộ máy nhà nước, làm cho nó gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Nhưng trên thực tế Hội đồng Nhà nước đã bộc lộ những hạn chế làm cho nó không phát huy hết vai trò của mình. Bởi vì Hội đồng Nhà nước vừa phải làm nhiệm vụ thường trực Quốc hội, vừa phải đảm nhiệm công việc của nguyên thủ quốc gia. Việc Hội đồng Nhà nước ban hành nhiều pháp lệnh về tất cả mọi lĩnh vực, quyết định một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã làm nảy sinh vấn đề liên quan đến yêu cầu tập trung quyền lực, nhất là quyền lập pháp vào Quốc hội. Giữa hai kì họp Quốc hội, thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước rất rộng lớn nhưng trong kì họp Quốc hội, vai trò của Hội đồng Nhà nước lại hầu như không được thể hiện. Mặt khác, Hội đồng Nhà nước là Chủ tịch tập thể nên vai trò của nguyên thủ quốc gia không được thể hiện rõ. Hơn nữa, chức năng, nhiệm vụ giao cho Hội đồng Nhà nước rất nặng nề nhưng cơ cấu thành viên của Hội đồng Nhà nước hầu hết lại là những người kiêm nhiệm. Vì vậy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhà nước chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế đó, Hiến pháp năm 1992 và nay là Hiến pháp năm 2013 đã phân định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước cho hai cơ quan khác nhau. Chức năng nguyên thủ quốc gia do Chủ tịch nước đảm nhiệm, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xác định là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có:

- Chủ tịch Quốc hội;

- Các Phó chủ tịch Quốc hội;

- Các uỷ viên.

Số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Để bảo đảm cho hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được khách quan, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 còn quy định thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định trong Điều 74 Hiến pháp năm 2013 và đã được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức việc chuẩn bị triệu tập và chủ trì các kì họp Quốc hội; ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập; đình chỉ thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ các văn bản đó tại kì họp gần nhất; bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

>> Xem thêm: Ủy ban thường vụ Quốc hội là gì ? Quy định về Ủy ban thường vụ Quốc hội ?

Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định vai trò tích cực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thúc đẩy hoạt động của các hội đồng và uỷ ban của Quốc hội cũng như của các đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán nhà nước, Tổng thư kí Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kì họp gần nhất; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, Luật tổ chức Quốc hối còn quy định các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải làm việc theo chế độ chuyên trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể.

Các cơ quan thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể.

>> Xem thêm: Pháp lệnh số 01/1998/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội : Pháp lệnh về cán bộ, công chức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác làm việc tại các cơ quan này phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội
  • 2. Về cơ cấu tổ chức của Quốc hội
  • 2.1 Lãnh đạo Quốc hội
  • 2.2 Ủy ban thường vụ Quốc hội
  • 2.3 Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội

1. Khái niệm, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Căn cứ theo Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu như sau:

- Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa luật;
- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
-Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
-Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;
-Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
-Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
-Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;
-Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
-Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;
-Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;
-Quyết định đại xá;
-Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
-Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
-Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;
-Quyết định trưng cầu ý dân.

2. Về cơ cấu tổ chức của Quốc hội

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì Quốc hội có cơ cấu tổ chức bao gồm:

- Lãnh đạo Quốc hội bao gồm Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc Hội;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;

- Đoàn đại biểu Quốc hội;

>> Xem thêm: Quốc hội là gì ? Vị trí, tính chất, chức năng của Quốc Hội Việt Nam

- Tổng thư ký Quốc hội;

- Văn phòng quốc hội;

- Các cơ quan thuộc ủy ban thường vụ quốc hội

2.1 Lãnh đạo Quốc hội

Lãnh đạo Quốc hội bao gồm Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội và có các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội, cụ thể bao gồm các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Chủ tịch Quốc hội là Chủ tọa các phiên họpcủa Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

- Là người lãnh đạo các công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình,triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Là chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.

- Có quyền triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.

>> Xem thêm: Cơ cấu bộ máy tổ chức của Quốc hội Việt Nam

- Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

- Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

- Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.

Đối với các Phó chủ tịch Quốc hội là những người do Quốc hội bầu ra trong số các Đại biểu Quốc hội. Các phó chủ tịch Quốc hội giúp chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Churtichj. Khi chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.

2.2 Ủy ban thường vụ Quốc hội

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm:Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch.

Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phố chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.

* Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại phiên họp toàn thể.

Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham dự.

Ủy ban thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

>> Xem thêm: Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam - ngọn cờ tư tưởng của các thế hệ đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về những nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội khi bàn về những nội dung có liên quan.

Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội là công khai. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội họp riêng do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Ngoài hình thức làm việc thông qua phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội còn tổ chức các cuộc họp, hội nghị hoặc cho ý kiến bằng văn bản. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức cuộc họp, hội nghị theo đề nghị của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội phụ trách nội dung. Chủ tịch Quốc hội quyết định việc xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản.

2.3 Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc bao gồm:Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp.

>> Xem thêm: Thông tư số 70/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính : Quy định chế độ chi tiêu tổ chức các hoạt động của năm Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch AIPA 31

Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên thường trực. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực.

Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội.

Luật Minh Khuê