Cố phương bất tự thưởng có nghĩa là gì năm 2024

Một thiên truyện cực kì đồ sộ và công phu, đầy ắp niềm vui, chứa chan sầu khổ. Đọc xong truyện giống như vừa trải qua một đời người, à không, có lẽ là rất nhiều đời người. Có người là anh hùng, có người là giai nhân, cũng có cả tội nhân. Một bản anh hùng ca hiếm thấy trong thế giới được gắn mác « ngôn tình ».

Tác giả lấy kết thúc làm mở đầu. Cá nhân tôi rất thích kết cấu câu truyện như thế. Với một bộ truyện dài, nó giống như một liều thuốc trấn an cho toàn thể độc giả : không sao đâu, cứ đọc đi, dù đau khổ đến mấy thì kết cục vẫn viên mãn thế này cơ mà ! Liều thuốc này khiến tôi có đủ dũng cảm để đi hết hơn 30 nghìn chữ, đi hết mấy chục năm cuộc đời của các nhân vật, trải qua rất nhiều rất nhiều hỉ, nộ, ái, ố, sinh, lão, bệnh, tử…của họ. Giờ là lúc, tôi hồi tưởng lại.

Bạch Sính Đình. Tôi nghĩ, đây là câu chuyện kể về nàng. Người xưa có câu, « hồng nhan bạc mệnh », thế nhưng Bạch Sính Đình, không hồng nhan, cũng mệnh bạc. Đọc đến giữa truyện tôi đã nghĩ thế, nhưng giờ nghĩ lại có lẽ nàng cũng không đến nỗi mệnh bạc, có chăng chỉ là « mệnh khổ » mà thôi. Bởi vì trừ vài năm cực khổ đó ra thì có thể coi cuộc đời nàng cũng có đủ cả vinh hoa phú quý, chưa kể đến ngôi vị Hoàng Hậu mãi về sau này thì ngay từ khi còn nhỏ, nàng cũng đã có một tuổi thơ tươi vui, không lo cơm áo.

Bạch Sính Đình có xuất thân khác với phần đông các nữ chính khác, nàng chỉ là thị nữ. Thế nhưng nàng lại được đối xử như thiên kim tiểu thư của Kính An vương phủ, được đối xử như em gái tiểu Kính An vương – Hà Hiệp. Bởi vì nàng quá giỏi giang. Tuy nhan sắc tầm thường nhưng nàng đàn giỏi, hát hay, thêu đẹp, và cuối cùng, giá trị lớn nhất của nàng đối với thiên hạ này chính là tài mưu lược hơn người, thậm chí sánh ngang với tất cả những đấng nam nhi đứng đầu thiên hạ ! Đọc những đoạn nàng cầm quân ra trận, nghĩ kế sách, ngẫm đối sách, dụng binh như thần ; rồi cả những đoạn nàng dùng mưu thoát khỏi hiểm nguy vây khốn, chống chọi với cả con người lẫn thiên nhiên…đều khiến cho tôi thực sự khâm phục tài trí của nàng. Chả trách toàn thể nam nhân trong thiên hạ đều muốn có nàng trong tay, chả trách khi nghe tin nàng chết, toàn bộ binh sĩ đều quỳ gối tế bái nàng. Nàng xứng đáng có được sự trọng vọng như thế. Nhưng ngoài Sở Bắc Tiệp ra, tôi vẫn không nhận thấy những nam nhân đó yêu nàng. Thực sự đây không phải một bộ truyện harem nữ chính bởi chẳng có ai ngoài nam chính yêu thương nàng cả.

Về nam chính Sở Bắc Tiệp, nói thật lòng tôi không quá thích người này. Nếu so ra thì chàng ta không thể là một viên đá lớn trong biển cát nam chính ngôn tình được bởi vì chàng ta chẳng có gì quá nổi bật. Hoặc cũng có thể phải lên sàn diễn với một nữ chính quá đỉnh cùng một nam thứ chính khiến người đọc khắc cốt ghi tâm, cho nên chàng ta hơi lu mờ. Nhưng mà xét về tổng thể tôi vẫn đánh giá cao Sở Bắc Tiệp. Chàng ta là tri âm của Bạch Sính Đình, là người duy nhất nghe hiểu tiếng đàn tiếng lòng Bạch Sính Đình ngay từ lần đầu gặp nàng, là người duy nhất được ông trời ưu ái có được cả giang sơn lẫn giai nhân, là người sinh ra trong nhung lụa, trưởng thành trong vàng son, sống trong gia đình đế vương nhưng lại may mắn không chịu cảnh huynh đệ tương tàn tranh đoạt ngôi vị, cầm quân đánh trận bách chiến bách thắng, chỉ một mưu kế nhỏ cũng khiến thiên hạ đại loạn… Vậy đấy, chỉ biết cảm thán ông trời quá bất công, Sở Bắc Tiệp giống như con cưng của trời cao, chàng ta từ đầu đến cuối truyện đều là người chiến thắng. Mặc dù, mặc dù, chàng ta cũng có những cái giá phải trả, mất cháu trai, mất huynh trưởng…nhưng, chỉ thế thôi. Tất cả những đớn đau mà Sở Bắc Tiệp phải chịu, chỉ có bấy nhiêu, chỉ có bấy nhiêu…

Có lẽ tôi đang ấm ức thay cho nam thứ chính cho nên không thể quá yêu thích Sở Bắc Tiệp. Nói một lời khách quan nhất, chàng ta là nam chính, là người phù hợp nhất với vai diễn này.

Cố phương bất tự thưởng có nghĩa là gì năm 2024

Còn, vì sao tôi phải ấm ức ư ? Bởi vì cuộc đời của chàng ta so với Hà Hiệp quá bằng phẳng, quá tốt đẹp, quá chói lọi, quá vinh quang, quá hạnh phúc, quá tròn đầy. Còn Hà Hiệp thì sao ? Hà Hiệp, nhân vật khiến cho chúng ta đều đau lòng…

Tiểu Kính An vương Hà Hiệp hào hoa phóng khoáng, phong lưu trác tuyệt, nụ cười như gió xuân, tiếu ngạo tứ quốc. Chàng vốn có quốc gia cần bảo vệ, có nhà để về, có song thân, có Sính Đình, có Đông Chước bên cạnh, được hàng vạn tướng sĩ kính yêu, Hà Hiệp sẵn lòng xả dòng máu nóng để giữ vững Quy Lạc. Hà Hiệp từng có tất cả những thứ đó, chàng vốn là một nam chính đẹp lòng người như thế.

Rồi sao ? Quân chủ quay lưng, cửa nhà tan nát, mất song thân, mất Sính Đình, mất tướng sĩ, Quy Lạc đuổi giết, tiểu Kính An vương Hà Hiệp từ nay lưu lạc tứ xứ… Vì đâu mà chàng lâm vào khốn cảnh này ?

Chỉ đơn giản vì một kế của Sở Bắc Tiệp. Lấy lùi mà tiến, lui quân để gây hiềm khích giữa Quy Lạc vương và vương phủ Kính An. Chỉ vì thói đời lạnh bạc, tình người cằn cỗi, dù lớn lên cùng nhau nhưng Quy Lạc vương vẫn vì lợi ích của bản thân mà lật mặt trừ khử người anh em thuở nhỏ của mình. Dù biết « binh bất yếm trá », dùng binh không ngại dối lừa, đây vốn chẳng phải lỗi của ai, nhưng tôi vẫn không khỏi ấm ức thay cho chàng thiếu niên bạc mệnh đó.

Đối với riêng tôi, thiên truyện này dựng nên vì Hà Hiệp. Chàng từ một tiểu Kính An vương có mọi thứ trong tay, rơi vào cảnh khốn cùng mất tất cả những gì mình có, rồi lại kiên cường gây dựng lại thế lực, ẩn nhẫn làm một phò mã Vân Thường quốc bị chèn ép chỉ để báo thù, chinh phục tứ quốc, đứng đầu thiên hạ. Chàng từ một thiếu niên dịu dàng ấm áp từng bước trở thành chiến thần máu lạnh thủ đoạn tàn độc, từ một tiểu Kính An vương vạn dân thành kính trở thành ma đầu bách tính phỉ nhổ. Thế nhưng, chàng độc ác thì sao, tàn nhẫn thủ đoạn thì đã sao, tại sao kẻ khác có thể dẫm đạp lên quê hương chàng, tàn phá gia đình chàng, huỷ hoại cuộc đời chàng còn chàng thì không được ? Chàng chỉ muốn báo thù, chàng chỉ muốn trở về vương phủ Kính An xiết bao thân thuộc, trở về những năm tháng trẻ dại vô ưu vô lo tràn ngập tiếng cười, thế thì có gì sai ?

Nhưng mà, vương phủ đã trở thành đống tro tàn, kí ức còn đó nhưng người đã đi đâu, tiếng cười của chàng cũng biến mất cùng năm tháng vô tình. Khi chàng có được thiên hạ trong tay, quay đầu lại lại chẳng có ai để cùng sẻ chia niềm vui ấy, chiến thắng ấy. Cha mẹ chết rồi, Sính Đình đã không còn ở bên, thê nhi của chàng cũng bị chính chàng vô tình bức tử. Chỉ còn lại kẻ thù đang run rẩy quỳ gối, chỉ còn lại giang sơn nhuộm màu máu, binh sĩ oán hận, bách tính lầm than.

Giây phút đó lòng chàng chỉ nhớ một người, một người trong đêm tân hôn chàng đã từng thề sẽ đội cho nàng vương miện của nữ nhân cao quý nhất thiên hạ, thê tử của chàng, người thiếu nữ có nụ cười dịu dàng làm rung động trái tim khốn khổ của Hà Hiệp. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu Hà Hiệp có yêu Diệu Thiên hay không ? Nếu yêu sao có thể vô tình bức tử nàng ấy, nếu yêu sao lại lạnh lùng khoá chặt cánh cửa gỗ mặc cho nàng ấy gào thét cầu xin được gặp chàng, nếu yêu sao lại nhẫn tâm nhìn nàng mang trong mình cốt nhục của hai người trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn? Còn, nếu không yêu sao chàng lại phải khốn khổ rơi những giọt nước mắt duy nhất cuộc đời quỳ xuống trước cánh cửa gỗ khoá chặt, không yêu vì sao khi có được thiên hạ việc đầu tiên chàng làm lại là tìm đá quý chế tạo mũ Hoàng Hậu dù biết người đã chẳng còn, không yêu vì sao trong những đêm thâu dằn vặt chàng lại nhớ đến nụ cười dịu dàng nhất thiên hạ kia, không yêu vì sao trước khi chết trong mắt chàng lại chỉ có bóng hình nàng, chỉ có duy nhất Diệu Thiên mà thôi ?…

Vì sao ?

——

“Công chúa, Công chúa, ta không thể gặp nàng.

Nàng là thê tử của Hà Hiệp, là thê tử duy nhất của Hà Hiệp trong cuộc đời này.

Ta không hận nàng để Thừa tướng chèn ép ta, ta không hận nàng làm ta mất Sính Đình, ta không hận nàng.

Ta chỉ hận ông Trời, hận cơn ác mộng này, hận những điều khiến nàng phải viết trong vương lệnh xử ta tội chết, hận tất cả những việc khiến ta không thể giữ trọn nàng.

Nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt nhăn nhúm vì đau khổ, Hà Hiệp nắm chặt ổ khoá, nghe tiếng Diệu Thiên gào khóc, bất lực quỳ bên ngoài. ”

——

« Công chúa, Công chúa nhìn xem, mũ Hậu ta hứa với nàng, ta đã mang đến đây… »

Mũ hậu hứa với nàng, ta đã mang những viên đá quý đẹp nhất thế gian, chọn ra những người thợ tài hoa nhất để chế tác cho ái thê của ta.

Nàng nhìn xem, ta đã có cả thiên hạ, nhưng giờ ta mới biết, thiên hạ này chằng qua cũng chỉ để đổi lấy nụ cười thẹn thùng của nàng, như ngày đầu tiên ta lạc hồn bước vào vương cung Vân Thường, nàng vén rèm châu, ban cho ta nụ cười ấy.

Ta sẽ múa kiếm vì nàng, cài đoá hoa tươi thắm nhất lên mái tóc nàng.

Ta nhớ mái tóc đen dài như thác đổ của nàng, làn da căng mịn của nàng.

Ta nhớ nàng thích ta khen nàng dịu dàng, duyên dáng, đẹp không ai sánh bằng.

Ái thê của ta, ta sẽ không để nàng phải gào khóc trong căn phòng tối om đó nữa.

« Công chúa, Công chúa…mũ hậu…mũ hậu… nàng nhìn thấy chưa ? Nhìn thấy chưa ? »

——–

Tất cả những đoạn ấy đều khiến tôi phải bật khóc. Đều là con người, đều là những bậc anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, nhưng vì sao số mệnh tiểu Kính An vương Hà Hiệp lại bi ai sầu đau đến cùng cực như thế ? Mất danh phận, mất cha mẹ, mất người thân, mất thê tử, chàng đánh đổi tất cả, cuối cùng đánh đổi cả tính mạng để đoạt lấy giang sơn, rốt cuộc chàng đã có được những gì ?

Sầu đau đến cô quạnh, sầu đau mà chẳng tìm ra lối thoát.

Dường như tất cả các nhân vật đều có một kết thúc viên mãn, còn mọi khổ đau chỉ dành cho chàng.

Ông Trời nào mà lại có thể tàn nhẫn với một số phận đến thế ?

Nếu như ban đầu tôi thích tất cả các nhân vật, thích Bạch Sính Đình một bậc nữ trung hào kiệt, có tình có nghĩa ; thích Trấn Bắc Vương Sở Bắc Tiệp oai hùng dũng mãnh, si tình một đời, yêu một người bất chấp tất cả ; thích Tắc Doãn tướng quân hùng tâm tráng chí ; thích Dương Phượng dịu dàng thấu hiểu ; thích Tuý Cúc cô nương lương y như từ mẫu, dốc lòng dốc sức không màng hiểm nguy chăm sóc bệnh nhân của mình ; thích phu thê Đông Lâm vương luôn tôn kính trân trọng nhau ; thích công chúa Diệu Thiên toàn tâm toàn ý yêu phò mã nhưng vẫn không quên trọng trách quốc gia… Thế nhưng, khi câu chuyện kết thúc và rồi mãi mãi sau này, tôi sẽ chỉ nhớ đến một tiểu Kính An vương Hà Hiệp mà thôi…

Tác giả tàn nhẫn dày vò Hà Hiệp, cuối cùng để lại một nhân vật bất tử trong mắt độc giả. Đó có lẽ chính là cái tài của Phong Lộng.

Phải hết sức tài hoa mới có thể viết nên một thiên truyện rất dài mà không hề có một chi tiết nhàm chán. Tôi rất kính phục tác giả cũng như người dịch, họ đã thể hiện hết khả năng để mang đến những ngôn từ như thơ như ca, mềm mại uyển chuyển, một khúc anh hùng ca hào hùng mà bi thương, một thiên tình sử giữa các anh hùng và giai nhân đẹp đẽ động lòng người ; có tình yêu nam nữ, có tình thân gia đình, có tình nghĩa phu thê, có tình thương giữa người với người ; cũng có mừng vui tụ họp, có giọt lệ biệt ly cùng khói lửa chiến tranh. Phong Lộng đã dùng ngòi bút dệt nên bức tranh đa sắc đa cảm, hết sức chân thực về thế giới này. Tôi cho rằng, « Cô phương bất tự thưởng » thực sự xứng đáng là một áng văn nghệ thuật, một cuốn sách đọc để đời dành cho tuổi trẻ.

——————-

Nghe nói truyện này sẽ sớm được Vu Chính dựng thành phim. Tôi khá tin tưởng vào tài năng biên kịch và lựa chọn nhân vật của Vu Chính, chỉ mong ông ấy đừng tuỳ tiện thay đổi kịch bản làm biến chất các nhân vật đi thôi. Hy vọng ông ấy không tìm một nhân vật xấu xí đểu giả sở khanh vào vai Hà Hiệp huhu…