Chiến lược bảo vệ tổ quốc là gì

Quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng là sự kế thừa bài học, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiến lược bảo vệ tổ quốc là gì
Quang cảnh Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng là sự kế thừa bài học, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Quan điểm này còn thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tính chủ động, sáng tạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Giữ nước từ khi nước chưa nguy"

Nhìn lại hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng rất nhiều biện pháp như tích cực hoạt động bang giao, hòa hiếu, hữu nghị với các nước láng giềng, tránh nạn binh đao; đồng thời, chăm lo xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, giữ vững vùng phên dậu quốc gia, thực hiện kế sách khoan thư sức dân...

Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa tiếp tục được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Sinh thời, Bác Hồ khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi" và căn dặn toàn dân, toàn quân Việt Nam: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước;" "Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, Việt Nam cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước."

Kế thừa quan điểm, tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý báu ấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa," đồng thời triển khai toàn diện trên mọi lĩnh vực, phương diện của đất nước. Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam.

Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa đã được Quân đội Nhân dân Việt Nam vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên phạm vi cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được xây dựng vững chắc nhằm quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng

Tư duy chiến lược về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng gồm nhiều nội dung, trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản như chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước; tăng cường tiềm lực, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa;” đẩy mạnh công tác đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tư duy về phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc của Đảng được Đại hội XIII nhấn mạnh: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”

Chiến lược bảo vệ tổ quốc là gì

Đại hội Đảng lần thứ XIII là sự kiện chính trị hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đây là nét đặc trưng trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, là quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị-tinh thần, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đó còn là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.”

Lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rất rõ đối ngoại gồm ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đây là ba kênh đối ngoại Trung ương - lực lượng nòng cốt đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cả về vật chất, tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Đáng chú ý, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng-an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng là, “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc.”

Chiến lược bảo vệ tổ quốc là gì

Các sỹ quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc báo công dâng Bác. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, đồng thời phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam. Quân đội đã cử cán bộ, sỹ quan tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan và sắp tới tiếp tục cử thêm sỹ quan thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của ASEAN và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn...

Bảo vệ Tổ quốc từ xa là kế sách lớn, là chiến lược giữ nước ngày nay. Quán triệt và thực hành tốt kế sách giữ nước trong thời bình là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam./.

(Vietnam+)

   Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới; quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi những quan điểm cơ bản đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, trong đó cần nắm vững một số vấn đề cơ bản sau:

   Thứ nhất, cần bảo đảm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia trong tình hình mới, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

  “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Đây là sự thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước; nhất là trong tình hình mới, Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Các nhiệm vụ này phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, tác động hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Theo đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh cũng có nghĩa là tạo điều kiện, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ngược lại, mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội lại tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh của quốc gia. Vì vậy, cần giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước nhận thức sâu sắc hơn nữa đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

  Thứ hai, cần quán triệt và nâng cao hơn nữa trong nhận thức và hành động thực tiễn về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

  “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

  Như vậy, nội hàm của vấn đề bảo vệ Tổ quốc được mở rộng và bao trùm hơn, thể hiện tính toàn diện, tổng thể của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ở đây, cần đặc biệt chú trọng tới mối quan hệ biện chứng của mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc… luôn gắn liền với mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của quốc gia. Đây là hai mặt của vấn đề liên quan hết sức mật thiết với nhau, nhất là trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, cần luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả vấn đề này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp hiện nay trên tinh thần coi mục tiêu tối thượng là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN và đi liền với đó là phải giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để tranh thủ mọi nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực) nhằm xây dựng, phát triển đất nước bền vững hơn. Tích cực đấu tranh với những quan điểm phiến diện, lệch lạc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

  Thứ ba, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc vấn đề phát huy sức mạnh tổng hợp cũng như phương châm, phương pháp tiến hành bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

  Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, cần phải: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN…

  Đảng đã chỉ rõ sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đó là lực lượng của toàn dân tộc. Đảng xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo đó, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm mới không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam, tăng cường quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân”; “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc” để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  Cùng với việc khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XII còn chỉ rõ cần tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là một trong những kinh nghiệm lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta, nhất là trong điều kiện bối cảnh quốc tế hiện nay. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, vấn đề kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một trong những phương châm, phương pháp cơ bản để giải quyết những mâu thuẫn, khác biệt đối với chủ quyền của quốc gia, dân tộc giữa các nước. Bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ phải kiên quyết, song quá trình đấu tranh phải kiên trì, dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào sức mạnh của cộng đồng quốc tế, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc để đấu tranh.

  Thứ tư, phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tích cực xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

  Nghị quyết khẳng định: xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh về mọi mặt, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

  Theo đó, cần nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang thật sự là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, chủ động chuẩn bị lực lượng và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong mọi tình huống…

  Đối với Quân đội nhân dân, cần tập trung giáo dục, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định cho mọi cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất năng lực, coi đó là khâu có ý nghĩa quyết định. Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Không ngừng tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, thực hiện tốt phương châm huấn luyện: "cơ bản, thiết thực, vững chắc", coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, sát yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, phù hợp tổ chức biên chế, trang bị hiện có...

  Những quan điểm, chủ trương, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, có sự bổ sung, phát triển toàn diện, sâu sắc thể hiện tính cách mạng, khoa học, phù hợp tình hình quốc tế và điều kiện thực tiễn của nước ta; phù hợp ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trung tướng PHAN VĂN GIANG Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng

(Theo Nhân dân điện tử)