Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Lịch sử phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị thế giới đã cho thấy cảnh quan được kiến tạo là biểu tượng của tầm nhìn trong quá trình hình thành phát triển đô thị. Từ thời cổ đại các khu vườn trong đô thị, các đô thị trong rừng, kể cả rừng trong đô thị đều lấy cảnh quan tự nhiên làm hạt nhân sáng tạo, hình thành những đặc trưng độc đáo, trở thành bản sắc cho đô thị, thông qua kiến trúc cảnh quan đô thị. Địa hình và mặt nước là yếu tố cảnh quan tự nhiên quan trọng để trở thành tiền đề cho việc lựa chọn vị trí hình thành cũng như quy hoạch phát triển đối với nhiều đô thị trên thế giới. Tùy theo bối cảnh và giá trị cụ thể yếu tố địa hình hay yếu tố mặt nước giữ vai trò chủ đạo kiến tạo nên bản sắc đô thị. Trong kiến trúc cảnh quan đô thị, yếu tố địa hình, mặt nước được kết hợp tạo dựng cảnh quan chung, gia tăng giá trị lẫn nhau dựa trên cơ chế hài hòa, từ đó định hướng cho các yếu tố cảnh quan nhân tạo hình thành. Thậm chí một trong hai yếu tố trên cũng đủ sức tạo lập chủ đề tư tưởng cảnh quan chung, hướng đến hình thành bản sắc đô thị như: Đô thị biển, phố núi, đô thị ven sông, ven hồ hay đô thị cảng. Như vậy có thể nói yếu tố nước hay địa hình giữ vai trò cảnh quan chính cho đô thị và từ cảnh quan tự nhiên này sẽ kiến tạo bản sắc hướng đến hình thành biểu tượng thương hiệu cho đô thị.

Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Cây xanh tạo dựng bản sắc nơi chốn

Bên cạnh yếu tố địa hình mặt nước, từ đầu thế kỷ trước, Le Corbusier đã nhấn mạnh vai trò của cây xanh trong kiến trúc cảnh quan đô thị hiện đại, bên cạnh những tòa nhà chọc trời chỉ cần trồng cây xanh ở những vị trí thích hợp sẽ mang lại sự gần gũi và có tỉ lệ xích thân mật với con người. Có thể nói cây xanh là một thành phần không thể thiếu trong cảnh quan, ngoài những giá trị về môi trường còn góp phần kiến tạo bản sắc cho đô thị.

Trên thế giới, nhiều nước chọn cảnh quan cây xanh tự nhiên đặc trưng để tạo dựng hình ảnh, biểu tượng cho TP và đất nước. Ví dụ: Canada nổi tiếng bởi cây Phong đỏ, TP Weimar nổi tiếng bởi cây Ngân hạnh, các TP ở Châu Phi nổi tiếng bởi cây Bao báp, Nga nổi tiếng bởi cây Bạch dương, Tây Ban Nha nổi tiếng ở những sân trong trồng cọ. Một số cây xanh đã đi vào thơ ca, âm nhạc, hội họa… Việc lựa chọn cây xanh tự nhiên đặc trưng mang tính bản địa đã hình thành cảnh quan tự nhiên quen thuộc tạo bản sắc gần gũi cho chính đô thị đó.

Bên cạnh cảnh quan tự nhiên, phải kể đến cảnh quan nhân tạo có vai trò kiến tạo bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị. Không gian kiến trúc cảnh quan luôn có sự khác biệt theo thời gian, vị trí địa lý, văn hóa các vùng miền để phù hợp với quy hoạch và phát triển đô thị cũng như đáp ứng tính chất chức năng của kiến trúc cảnh quan đô thị. Đô thị ở châu Âu luôn dành cho không gian kiến trúc cảnh quan một vị trí đặc biệt trong cấu trúc cũng như trong bố cục không gian đô thị. Do vậy, nhiều TP ở châu Âu trở nên nổi tiếng nhờ vẻ đẹp của không gian kiến trúc cảnh quan. Diện mạo không gian kiến trúc cảnh quan ở các đô thị châu Âu rất đa dạng và phong phú, hài hòa với cảnh quan tự nhiên, thích hợp với bản chất của chức năng như: Quảng trường, công viên, vườn hoa, đại lộ hay đường phố. Chúng không những gắn với hình thái đô thị mà còn thay đổi linh hoạt theo vị trí trong không gian đô thị. Không gian kiến trúc cảnh quan ở các đô thị châu Âu có tính biểu tượng cao nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức không gian đô thị. Không gian kiến trúc cảnh quan là một trong những kiến trúc cảnh quan nhân tạo có giá trị đặc biệt trong đô thị bởi vì tính chất và hình thức tổ chức không gian cũng như hình ảnh kiến trúc hiện diện trong không gian đó. Các không gian này không chỉ phản ánh lịch sử của quá trình hình thành và phát triển đô thị, mà còn là một trong những yếu tố cảnh quan nhân tạo mang lại bản sắc cho đô thị. Hình ảnh các quảng trường cổ ở các đô thị thường có sức hút, hấp dẫn du khách bởi những thăng trầm của lịch sử, dấu ấn thời gian và vẻ đẹp vĩnh cửu của kiến trúc cảnh quan.

Trong không gian đô thị, nhất là không gian kiến trúc cảnh quan, công trình kiến trúc kể cả kiến trúc nhỏ trong công viên có ý nghĩa tạo điểm nhấn mang tính chất biểu tượng. Ở các đô thị châu Âu, kiến trúc tháp canh đặt trên tường thành, các tòa thị chính, nhà thờ và trên những đài quan sát, kiến trúc này có ý nghĩa tạo tín hiệu dễ nhớ như một ký hiệu độc đáo trong đô thị. Trong những năm gần đây, xu hướng tạo dựng điểm nhấn công trình kiến trúc thiên về sự chiêm ngưỡng, kỳ quan, trình diễn, từ đó khái niệm kiến trúc là điểm nhấn đô thị trở nên có ý nghĩa đầy đủ hơn.

Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Một số đô thị có bản sắc hình thành từ cảnh quan tự nhiên

Một số đô thị trên thế giới có cảnh quan tự nhiên mà chủ yếu là địa hình và mặt nước khác biệt đã tạo dựng bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị tiêu biểu như sau:

  • Các TP gắn với biển như: Liverpool, Rotterdam, Hamburg, Hong Kong, Sydney, Hải Phòng, … gắn kết với hải cảng và phát triển kinh tế biển chủ yếu qua vận chuyển, giao thương hay Barcelona, Hawaii, Miami, Cannes, Rio de Janero, Vũng Tàu, Đà Nẵng… phát triển kinh tế biển chủ đạo gắn với du lịch;
  • Các TP nổi danh thương hiệu gắn với những mặt hồ như Chicago ở Mỹ có hồ Michigan, Siberia có hồ Baikal, Geneva ở Thụy Sĩ với Hồ Lớn, hồ Nhỏ và hồ Thượng, Nam Đầu ở Đài Loan có hồ Nhật Nguyệt và đặc biệt là Hà Nội với hệ thống hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Thủ Lệ, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang;
  • Các TP gắn liền với nét độc đáo địa hình đồi núi như Thủ đô La Paz của Bolivia, Kathmandu ở Nepal với đường lên các đỉnh cao của thế giới như Everest, Himalaya, hay gần đó là Lhasa của Tây Tạng, San Francisco với những con đường dốc gắn liền đô thị nối ra bờ biển, Lucerne ở Thụy Sĩ gắn với cảnh quan tuyệt đẹp của dãy Alpes, Đà Lạt với cao nguyên Langbian, Sapa với đỉnh Fansipan;
  • Các TP hình thành, phát triển và hình thành bản sắc kiến trúc cảnh quan gắn kết với những con sông như London với sông Thames, Paris với sông Seine, Moscow với sông Moscow, Seoul với sông Hàn, Thượng Hải với sông Hoàng Phố, Bangkok với sông ChaoPhraya, hay TP.HCM với sông Sài Gòn. Dù có phát triển về một bên hay cả hai bên, dù kinh tế phát triển mạnh hay chưa mạnh thì dòng sông vẫn luôn là trung tâm của cuộc sống văn hóa và lịch sử đô thị, cũng như là thành tố chủ đạo trong việc tạo thành bản sắc kiến trúc cảnh quan cho đô thị đó.

Ngoài những TP có cảnh quan tự nhiên về địa hình đồi núi hay mặt nước, còn có một số đô thị mà tính nhân tạo kết hợp với mặt nước tự nhiên, mang lại hiệu quả đặc biệt về kiến trúc cảnh quan đô thị như Amsterdam ở Hà Lan hay Venice ở Ý.

Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Một số đô thị có bản sắc hình thành từ cảnh quan nhân tạo

Bên cạnh cảnh quan tự nhiên, có những TP nổi tiếng thế giới cũng đã kiến tạo nên bản sắc từ các kiến trúc cảnh quan nhân tạo tiêu biểu như:

  • Ở châu Âu, London với tháp Big Ben, có cao ốc the Gherkin hình quả dưa chuột; có Paris với tháp Eiffel và những khu vườn cây cắt tỉa; có Moscow với quảng trường Đỏ và tháp chuông nhà thờ thánh Basil hình củ hành;
  • Ở Mỹ có Washington với tháp bút chì, có điện Capitol; New York với tuyến đi bộ High Line, Khu tưởng niệm 11/9, Công viên Central Park; San Franciso với cầu Cổng Vàng và đường dốc ziczac Lombard; có rừng nhà chọc trời ở Chicago; có nút giao nhiều tầng ở Los Angeles;
  • Ở châu Á, Tokyo có tháp Skytree, có khu ga Shibuya nhộn nhịp; Thượng Hải có tháp Thiên Mậu 88 tầng, có bến sông Hoàng Phố, có phố đi bộ Vương Phủ Tỉnh; Seoul có đường đi trên cao Seoulo, có tòa thị chính xanh; có Singapore có Sư tử biển, có Vườn bên vịnh; Bangkok có những đường sắt trên cao dọc tuyến phố Siam;
  • Ở Việt Nam, Hà Nội có tháp Rùa ở hồ Gươm, Đà Nẵng có cầu Rồng, cầu Vàng, Sài Gòn có chợ Bến Thành, có địa đạo Củ Chi, có rừng ngập mặn Cần Giờ hay kiến trúc như Bitexco 68 hay Landmark 81…

Như vậy, bất kể là cảnh quan tự nhiên hay cảnh quan nhân tạo, những kiến trúc cảnh quan kể trên đều là những tạo tác đóng vai trò định hình tính nhận dạng cho nơi chốn chứa nó, không chỉ ở đối với bản thân cư dân ở đó mà còn ở tầm thế giới, tạo ra sức thu hút, hấp dẫn làm nền tảng cho sự phát triển phồn vinh gắn kết với nơi chốn đó. Có thể nói rằng: Bản sắc kiến trúc cảnh quan không quan trọng là cái gì, mà cần phải quan tâm để xác định, để kiến tạo chúng như thế nào.

Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Đường sách Nguyễn Văn Bình – không gian văn hóa cộng đồng đóng góp cho bản sắc nơi chốn của TP. Hồ Chí Minh

Bản sắc kiến trúc cảnh quan bền vững cho cộng đồng – độc đáo hay hài hòa?

Xưa nay, nói đến bản sắc kiến trúc là người ta nghĩ ngay đến sự khác biệt, đến tính độc đáo của kiến trúc. Mỗi tác phẩm kiến trúc đều là những câu chuyện bắt mắt và riêng có, nổi bật trên phông nền là những thành phần còn lại của địa điểm đặt chúng. Hiệu ứng “Bilbao” là câu chuyện trào lưu đầu tư vào vào kiến trúc biểu tượng với những “phù thủy thiết kế” là những KTS danh tiếng thế giới với kỳ vọng các sản phẩm từ họ sẽ trở thành đòn bẩy phát triển đô thị dựa trên du lịch và đầu tư đi theo sau đó. Cụ thể hiệu ứng này bắt nguồn từ sự xuất hiện của Bảo tàng Guggenheim Bilbao do KTS Frank Gehry thiết kế đã chuyển đổi tình trạng suy thoái của các ngành công nghiệp nặng ở TP Bilbao sang sự gia tăng mạnh mẽ về phát triển đi theo du lịch sau đó. Trên thực tế, tiếp nối công trình Bảo tàng Guggenheim Bilbao, đã và đang có rất nhiều công trình kiến trúc tham vọng góp phần mình vào trong vị thế điểm nhấn sức hút này ở khắp nơi trên thế giới. Có khá nhiều ví dụ thành công, song thực tế cũng ít ví dụ về sự thất bại, đi kèm theo đó là sự sa lầy về chi phí đầu tư, hiệu quả vận hành khai thác sử dụng, sự thiên lệch về hào nhoáng qua hình ảnh “check-in” và vắng bóng người, thiếu sự sống thực sự ở những nơi đó. Vậy độc đáo kiến trúc phải chăng là chưa đủ cho bản sắc cộng đồng bền vững?

Tiếp theo câu chuyện, khi nói đến bản sắc thì chiếm giấy mực bàn luận là nói đến bảo tồn, gìn giữ. Dường như tâm thế chung của chúng ta khi nói đến bản sắc là nói đến những gì đã có, những gì đã trở thành truyền thống, đã được bảo lưu đến mức cực đoan trong tâm thức chung của cộng đồng. Đến mức câu cửa miệng của giới chuyên môn hay quần chúng cũng đều là: Chúng ta đang đánh mất bản sắ, bản sắc đang phai nhạt, kiến trúc này công trình nọ không có bản sắc… Tâm lý hoài niệm, trân trọng những gì đã có là rất quý giá trong thời điểm mà cuộc sống đang quay cuồng tốc độ, sống nhanh, sống vội hiện nay. Song nếu cực đoan hóa đến mức cho rằng bản sắc luôn đồng nghĩa với hành động bảo tồn thì có khi là sự phá hủy, đứt gãy chuỗi liên tục tiếp biến, phát triển của bản sắc nơi chốn.

Bản thân khái niệm bền vững, trong đó có nói đến sự đáp ứng nhu cầu của thế hệ này không ảnh hưởng đến sự thụ hưởng nhu cầu của thế hệ tiếp theo, cũng đã phần nào nói lên tính khách quan của sự liên tục bản sắc.

Hiện nay, cụ thể trong kiến trúc, chúng ta đang cố gắng bảo tồn cái đã có (kiến trúc truyền thống), nhiều nơi, nhiều chỗ cũng đang cố gắng nhại lại, bắt chước, phục dựng, tái tạo cái đã có (kiến trúc phương Tây, kiến trúc cổ), khi làm kiến trúc mới, chúng ta cố gắng tiếp biến một yếu tố nào đó cũng của truyền thống, cũng là từ cái đã có. Hình như chúng ta đánh đồng bản sắc với cái đã có (của quá khứ) mà quên rằng chữ “bản sắc” vốn mang trong nó bản chất là sắc thái “hiện tại”.

Nhân loại với bảy tỷ người đang chung sống trên hành tinh, trong đó hơn phân nửa nhân loại đang sống trong đô thị cùng với vô vàn những mâu thuẫn nội tại và thách thức chưa từng có, đưa đến một nhu cầu thời đại là phải điều hòa được những lợi ích khác nhau, tạo nên sự hài hòa về các mặt vật thể, xã hội, môi trường của đô thị và những con người đang sinh sống ở đó. Khi nói bản sắc là nói về cái hiện tại thì sự hài hòa cũng là phương cách để đạt được bản sắc tốt.

Hài hòa vừa là một lý tưởng từ thời cổ đại vừa là một ý niệm mang tính chất thời đại. Trong triết học cổ đại Trung Hoa, sự hài hòa ám chỉ sự tiết chế và cân bằng trong mọi thứ. Ngày nay, khái niệm về sự hài hòa bao hàm nhiều vấn đề như: Môi trường bền vững, tính công bằng, bình đẳng giới, tính phổ quát và quản trị tốt. Hài hòa vì lẽ đó vừa là một hành trình vừa là một đích đến. Khi đề cập đến khái niệm kiến trúc cảnh quan, trong đó thành tố “kiến trúc” đi kèm với thành tố “cảnh quan”, bản chất là nói đến sự cân bằng, hài hòa giữa hai trạng thái, hai đối tượng tưởng hai mà một này trong hành trình kiến tạo bản sắc nơi chốn.

Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Cầu Vàng, sự bất ngờ trong cảm thụ bắt đầu từ tinh thần tôn vinh thiên nhiên để kiến tạo bản sắc

Một số trải nghiệm thực hành thiết kế của các tác giả bài viết liên quan đến kiến trúc cảnh quan có thể phần nào đó tương thích với tiếp cận hài hòa và độc đáo để kiến tạo bản sắc.

Đầu tiên là công trình Đường sách TP HCM, xây dựng năm 2015 và vừa được trao Giải Outstanding Award hạng mục Economical Viability – Giải cao nhất trong Giải thưởng AAPMME 2022 của Hiệp hội Kiến trúc cảnh quan thế giới. Bắt đầu từ một con đường nhỏ yên tĩnh, náu mình bên cạnh những di sản đô thị như Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện TP.HCM, UBND quận 1, một địa điểm có giá trị “kim cương” của TP. HCM song trước đây vốn lại chỉ là không gian mặt sau của các tòa nhà, hầu như vắng bóng người đi lại, chỉ làm bãi đậu xe tạm thời và một phông nền cây xanh cho những buổi chụp ảnh cưới. Trong vòng 2 tháng trước Tết 2016, không gian ấy được “biến hóa” thành một công trình kiến trúc cảnh quan dành cho sách và công chúng.

Về kiến trúc, Đường sách được thiết kế hướng đến mục tiêu tìm cái thống nhất trong đa dạng, giản dị về hình thức để tối ưu hóa về công năng, chương trình hoạt động. Các chất liệu được lựa chọn chú trọng chất cảm về sự ấm áp, thân thuộc như: gỗ, gạch bông, … và tính mở, thoáng, phóng khoáng của không gian bằng kính, thép. Toàn bộ hệ kết cấu và kiến trúc các gian hàng lấy theo tổ hợp 4 hình vuông, một sự đồng bộ với mặt bên Bưu điện TP.HCM ở phía đối diện bên kia đường.

Ở đây không chỉ là những gian hàng cho các nhà sách, các nhà xuất bản mà là một không gian công cộng quý giá dành cho toàn bộ cư dân TP và cả du khách. Nếu chỉ là mua sách thì công chúng có rất nhiều lựa chọn ở nhiều địa điểm khác nhau trên TP, với số lượng sách nhiều hơn, giá thành có khi còn tốt hơn, với kiến trúc cũng đẹp không kém. Song người dân vẫn chọn đến Đường sách vì bản thân cá tính, có sức hấp dẫn riêng của không gian kiến trúc, cảnh quan vì cộng đồng. Sức hấp dẫn của loại hình này không chỉ nằm ở hình thức không gian mà còn ở những tính sự kiện, tính nơi chốn mà nó mang trong mình.

Để hiện thực hóa Đường sách, đội ngũ thực hiện chỉ có chưa đầy 2 tháng cho tất cả các khâu thiết kế và thi công kiến trúc, nội thất, song hành với việc công tác tổ chức, mời gọi các đơn vị đồng hành cùng tham gia. Đây không chỉ là thiết kế và thi công (design and build) mà còn là sự tổng hòa của việc thực hiện tổng lực trên nhiều “mặt trận”:

  • Pháp lý: Xin phép sự chấp thuận của TP và các đơn vị có liên quan (Sở Thông tin truyền thông, UBND Quận 1, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, …);
  • Thiết kế: Giải pháp sao cho vừa đáp ứng tiêu chí hướng dẫn của các sở ngành TP, vừa đảm bảo thi công nhanh, gọn, không ảnh hưởng đến hạ tầng và đi song song với quá trình thi công;
  • Thi công: Thi công tiền chế tại xưởng, móng nông trên nền hiện trạng, định vị và lắp đặt tại chỗ, phối hợp giữa các đơn vị thi công đồng thời;
  • Tài chính: Chi phí thực hiện hợp lý và phần đóng góp của các đơn vị đối với cả phần riêng từng gian hàng lẫn không gian chung cho toàn bộ Đường sách;
  • Truyền thông: Phối hợp giữa khâu thiết kế với các kênh truyền thông ngay từ đầu để thu hút sự quan tâm của cộng đồng; đồng thời xây dựng chương trình hoạt động thường xuyên, tăng tính sự kiện, thu hút cộng đồng đến đường sách.

Hình thức “kiến trúc” của Đường sách được tối giản hóa, khiêm tốn để tôn lên khung cảnh, dành “sân khấu chính” cho hàng me xanh mướt, giá trị “cảnh quan” tạo nên bản sắc nơi chốn của khu vực. Điều mà đội ngũ các bên tham gia đã tranh luận, phản biện để tìm ra giải pháp cân đối nhu cầu và nguồn lực, bảo tồn được toàn bộ hàng me xanh, không đánh đổi 4m2 diện tích mỗi gian hàng sách tăng thêm để đánh mất vốn quý này. Kết quả đó là sự hài hòa của giải pháp kiến trúc cảnh quan với hài hòa trong quá trình hiện thực hóa. Khung cảnh sau cùng sẽ không thể thành công nếu như không có phương thức vận hành phù hợp của đội ngũ tâm huyết ngay từ ban đầu, những không gian để dành cho tiện ích công cộng như sân chơi trẻ em, không gian sân khấu đa năng được thiết kế, hình thành dần dần trong những năm tiếp theo cũng là một phần trong tổng thể tính toán trước giữa công năng ngày thường và ngày cao điểm, cho sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai.

Tuy còn có thể có một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện thêm, song trên hết là việc Đường sách đã ra đời, đi vào cuộc sống và trở thành một không gian kiến trúc cảnh quan đóng góp vào bản sắc cho cộng đồng, là một phần thú vị không thể bỏ qua trong đời sống đô thị của TP.HCM. Khác với những không gian công cộng “tự phát” hình thành trong đô thị, đây là một sản phẩm “được thiết kế” đã tổng hòa được các yếu tố thực tế cho việc thiết kế đô thị, hiện thực hóa một không gian kiến trúc cảnh quan bền vững cho cộng đồng dù khởi nguồn có thể chỉ là như tạm thời, phối hợp hài hòa tất cả các bên có liên quan trong đời sống đô thị, từ cơ quan chính quyền, các nhà đầu tư, đến đơn vị tổ chức thực hiện, đơn vị thiết kế, thi công và cộng đồng – điều vốn không thể có nếu chỉ dừng lại ở khâu thiết kế hay thi công. Công trình Đường sách TP. HCM có thể là một ví dụ cụ thể cho cách tiếp cận hài hòa trong kiến tạo bản sắc nơi chốn.

Một ví dụ thứ hai là công trình Cầu Vàng tại Bà Nà Hills, TP Đà Nẵng. Xuất phát điểm từ đề bài của một không gian cảnh quan vốn không có định trước yêu cầu cho cây cầu kết nối khu vườn cũ và vườn mới. Song khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cùng câu chuyện công năng cho một tuyến đường thân thiện với người đi bộ đã gợi nguồn cảm hứng cho một cây cầu, một lối đi tắt như bay giữa lưng chừng trời.

Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thay đổi bốn mùa một ngày, được tôn vinh bằng giải pháp có tính lãng mạn và bất ngờ với hình tượng đôi bàn tay rêu phong như tuôn từ trong lòng núi, kéo ra một dải lụa vàng để nâng bước chân du khách bay ra giữa núi rừng hùng vĩ, vươn tầm mắt rộng mở ra thiên nhiên tươi đẹp, cảm nhận cái nắng ấm, chút se se lạnh, chất ẩm mờ ảo của màn sương. Sự lãng mạn của ý niệm cộng hưởng với sự hùng vĩ của thiên nhiên tạo ra sức hấp dẫn của một điểm đến, dẫu cho quy mô, kích thước khiêm tốn của nó.

Ý tưởng thiết kế Cầu Vàng không đơn thuần chỉ là hình dáng cây cầu mà còn là câu chuyện gắn với nó. Là một phần mở rộng của Vườn Thiên Thai, Cầu Vàng đặt trong bối cảnh tưởng tượng về câu chuyện thần thoại cũng như về con người và thiên nhiên. Ý tưởng chính hướng tới “những vị thần tự nhiên” vượt trên con người tự nhiên. “Những vị thần” thường được miêu tả như những thế lực siêu nhiên trong hình dáng con người với tỷ lệ vượt trội. Vì thế, những bộ phận cơ thể người với tỷ lệ phóng to như đôi bàn tay khổng lồ trên Cầu Vàng được đưa vào các thiết kế để đồng thời trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Hình ảnh ấn tượng của đôi bàn tay khổng lồ rêu phong nâng lấy cây cầu màu vàng rực rỡ giữa màn sương trông như một món quà bất ngờ từ thiên nhiên.

Sức hấp dẫn đại chúng trong nước và trên thế giới chắc hẳn không phải chỉ là hình ảnh thiết kế bất ngờ, mà còn là trí tưởng tượng bay xa cho người tham gia vào khung cảnh kiến trúc cảnh quan đó. Cái thực thể vật lý (matterscape) được gia tăng hiệu ứng từ trí tưởng tượng từng cá nhân (mindscape) tạo thành giá trị nhận thức chung của cộng đồng (powerscape). Đó là tam giác bền vững của bản sắc nơi chốn, với nền tảng là giải pháp kiến trúc cảnh quan.

Cảnh quan quan trọng như thế nào trong đô thị năm 2024

Lời tạm kết

Kiến trúc cảnh quan là phương thức cần thiết kế để kiến tạo bản sắc nơi chốn bền vững cho cộng đồng. Cách tiếp cận bản sắc kiến trúc cảnh quan không chỉ dừng ở bảo tồn, kế thừa những giá trị đã có mà còn cần hướng đến những giá trị mới, chưa có. Một hành trình mạo hiểm, nhiều khó khăn, thách thức, có thể có thất bại, song cần thiết phải đi để đảm bảo tính liên tục bền vững cho bản sắc nơi chốn. Hướng tiếp cận phù hợp cho hành trình đi tìm bản sắc nơi chốn này cần hội tụ tính độc đáo khác biệt thông qua phương thức hài hòa về hình thức lẫn phương thức, với không gian và cả thời gian, với giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng. Mong hành trình kiến tạo bản sắc nơi chốn bằng kiến trúc cảnh quan này sẽ có nhiều người đồng hành chung mục tiêu và đồng cảm cùng phương thức.